24/12/2024

Đất nước 3/4 là đồi núi nhưng thiếu đất làm đường cao tốc

Đất nước 3/4 là đồi núi nhưng thiếu đất làm đường cao tốc

Đất nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi nhưng nhiều dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang thi công có nguy cơ thiếu đất đắp nền đường. Lý do là các mỏ đất đang khai thác không đủ trữ lượng, mỏ chưa khai thác cần 6-8 tháng để cấp phép.

 

Đất nước 3/4 là đồi núi nhưng thiếu đất làm đường cao tốc - Ảnh 1.

Việc thiếu đất đắp nền đường do các mỏ hiện khai thác không đủ trữ lượng, hoặc thời gian cấp phép đến 6-8 tháng – Ảnh: NGUYỄN QUANG

Nghịch lý đó được nêu ra tại tọa đàm “Khó khăn vật liệu làm cao tốc Bắc – Nam: Thực trạng và giải pháp” do báo Giao Thông tổ chức ngày 25-3.

Theo ông Võ Hoàng Anh – phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải, khi khảo sát thiết kế các dự án đường cao tốc Bắc – Nam đều khảo sát vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ cung cấp vật liệu cho các dự án.

“Qua khảo sát không thiếu mà dư thừa cho cả các dự án khác. Đất nước có 3/4 diện tích là đồi núi không có lý do gì để thiếu vật liệu, trừ một số nơi như Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ thiếu ở những mỏ đang khai thác, còn mỏ đã quy hoạch chưa cấp phép không thiếu.

Nhưng để khai thác 1 mỏ đang quy hoạch thì quy trình cần 6 tháng đến 1 năm. Đây là bài toán vĩ mô liên quan nhiều cơ quan, bộ ngành địa phương liên quan giải quyết” – ông Hoàng Anh cho biết.

Ông Lê Quyết Tiến – phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) – cho biết dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 bao gồm 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh với tổng chiều dài khoảng 653km, cần khoảng 52 triệu m3 đất đắp nền đường. Hiện có 3 trong số 6 dự án thành phần đang thi công đồng loạt thiếu đất đắp là đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Nếu các địa phương không gia hạn các mỏ đất đang khai thác và cấp mới các mỏ theo quy hoạch thì sẽ thiếu đất cho các dự án.

Đại diện Ban quản lý dự án 7 cho biết dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết có nhu cầu đất đắp 9,2 triệu m3… hiện còn thiếu hơn 1 triệu m3. Nếu địa phương đấu giá khai thác mỏ với thời gian hoàn thành thủ tục 6-8 tháng, trong khi tiến độ đến 12-2021 hoàn thành đắp nền đường. Do vậy ảnh hưởng tiến độ dự án lớn.

Một nhà thầu dự án Phan Thiết – Dầu Giây cho biết đơn vị này còn thiếu 1,7 triệu m3 đất đắp nền sau khi đã cân đối. Nếu tháng 6-2020 không đắp được 80% nền đường thì gói thầu sẽ vỡ trận. Nhưng hiện nay lượng đất chỉ đủ thi công đến hết tháng 3-2021. Nếu không có đất thi công tiếp thì hàng trăm xe máy và nhân lực nằm chờ không biết đến bao giờ có việc.

Các nhà thầu nhận định tình trạng khan hiếm đất đắp khiến các chủ mỏ bắt tay nâng giá. Nhà thầu phải mua đất với giá cao hơn so với giá trong dự toán dễ dẫn đến thua lỗ. Có nhà thầu đã đặt tiền mua đất tại các mỏ ở Thanh Hóa từ trước tết nhưng qua tết họ trả lại tiền, không bán nữa.

Theo ông Lại Hồng Thanh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và môi trường, Luật khoáng sản quy định thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản như đất, đá thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định thời gian cấp giấy phép khai thác mỏ mới trong 90 ngày và cấp phép tăng công suất mỏ là 45 ngày là khung tối đa. Về tối thiểu không ai cấm, nếu rút xuống 1 tuần, 1 tháng không ai phạt cả miễn là đủ thủ tục.

Tuy nhiên, ông Đỗ Thế Hùng – đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Thanh Hóa – cho rằng thời gian trên là thời gian tính từ khi nhận đủ thủ tục để cấp phép. Tỉnh Thanh Hóa chỉ thực hiện cấp phép trong vòng 10 ngày khi đủ thủ tục. Tuy nhiên, để làm đủ thủ tục khai thác mỏ mới thì cần 6-8 tháng từ khâu khảo sát đến đấu giá theo quy định của Luật khoáng sản. Hiện nay Thanh Hóa đang có chủ trương không đấu giá quyền khai thác các mỏ vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc để rút ngắn thời gian.

Theo ông Thái Duy Sâm – tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, việc thiếu đất đắp các dự án cho thấy câu chuyện các cơ quan liên quan đến dự án muốn làm nhanh nhưng chưa chuẩn bị kỹ các điều kiện phục vụ thi công từ khi lập dự án.

“Người Nhật muốn làm nhanh thì chuẩn bị kỹ, ta chuẩn bị sơ sài nhưng muốn làm nhanh thì bế tắc. Bây giờ khi dự án đã thi công, làm theo đúng Luật khoáng sản sẽ chậm cung cấp vật liệu. Do vậy, cần kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh cấp phép khai thác các mỏ cung cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc” – ông Sâm kiến nghị.

TUẤN PHÙNG
TTO