Bắc Kinh ‘ăn miếng, trả miếng’, Ý, Đức, Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc
Bắc Kinh ‘ăn miếng, trả miếng’, Ý, Đức, Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc
Ý là quốc gia mới nhất trong Liên minh châu Âu (EU) triệu tập đại sứ Trung Quốc ở nước này để phản ứng các biện pháp trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh, sau khi phương Tây trừng phạt Trung Quốc vì cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
“Đại sứ Trung Quốc tại Rome được triệu tập vào ngày mai, liên quan đến các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh đã áp lên Liên minh châu Âu (EU)”, Bộ Ngoại giao Ý thông báo ngày 23-3.
Cũng trong ngày 23-3, Đức, Pháp và các thành viên EU khác đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở các nước này để phản đối động thái đáp trả của Bắc Kinh, sau khi EU trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong cách hành xử với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.
Trước đó một ngày, EU đã gia nhập cùng Mỹ, Anh và Canada khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc. Đây là hành động phối hợp đầu tiên của phương Tây nhằm vào Bắc Kinh, kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ, theo Hãng tin Reuters.
Đáp lại phương Tây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm đại biểu của Pháp tại Nghị viện châu Âu Raphael Glucksmann.
Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye) để phản ánh những biện pháp trừng phạt “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh. Đồng thời, Pháp cũng tuyên bố “không thể chấp nhận được” các lời lẽ lăng mạ và đe dọa của ông Lư nhắm vào các nghị sĩ Pháp và một nhà nghiên cứu của nước này.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris đã không đưa ra bình luận gì. Trước đó, ngày 22-3, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết đại sứ Lư sẽ đến Bộ Ngoại giao Pháp trong ngày 23-3 để thảo luận về các biện pháp trừng phạt của EU.
Đức cũng đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Berlin để làm rõ các biện pháp trừng phạt của nước này là nhằm vào các cá nhân vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. “Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nghị sĩ và học giả là hoàn toàn không thể chấp nhận được” – Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói.