25/12/2024

Gọi tài xế công nghệ là đối tác: cách gọi luồn lách

Gọi tài xế công nghệ là đối tác: cách gọi luồn lách

Uber tại Anh đã phải chấp nhận tư cách nhân viên và trả lương, bảo hiểm cho tài xế thay vì lao động tự do. Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay ủng hộ quan điểm này.

 

Gọi tài xế công nghệ là đối tác: cách gọi luồn lách - Ảnh 1.

Nhiều lái xe không còn được ký hợp đồng lao động mà chuyển sang khoán, đồng nghĩa các quyền lợi về bảo hiểm, phụ cấp khác sẽ không còn – Ảnh: C.TRUNG

Tuy nhiên, hiện hàng vạn tài xế công nghệ và cả taxi thông thường tại VN đang than trời về việc quyền lợi của người lao động ngày càng bị doanh nghiệp cắt giảm.

Không phải “người lao động”

Trao đổi về việc Uber ở Anh vừa có bước đột phá, anh B.N.Long – tài xế GrabCar – cho biết về quyền lợi của tài xế đã nói suốt mấy năm nay khi mô hình xe công nghệ vào VN nhưng đến nay vẫn chưa có quy định nào đảm bảo cho người lao động.

Tài xế được hãng gọi là đối tác chứ không phải người lao động của doanh nghiệp nên họ không hỗ trợ tiền lương, bảo hiểm xã hội.

“Muốn chạy Grab, tài xế phải vào hợp tác xã chi phí mỗi năm để làm phiếu 1 triệu đồng/chiếc. Quyền lợi gần như không có gì. Vai trò hợp tác xã ở đây là gì hay chỉ là bức bình phong để lách luật? Trong khi đó, Grab không chỉ thu phí app khá cao mà còn điều chỉnh mức giá lên xuống, điều xe, chưa kể áp dụng các mức thưởng phạt với tài xế. Các quyền lợi cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn… hoàn toàn không có” – tài xế Long nói.

Trước đây phần nhiều đều được ký hợp đồng nhưng do cạnh tranh với xe công nghệ, nhiều tài xế taxi bức xúc khi vài năm gần đây các hãng taxi cũng hạn chế số lượng ký hợp đồng lao động mà đẩy sang chính sách nhận khoán xe, nhượng quyền ôtô. Tất nhiên, quyền lợi về bảo hiểm, các phụ cấp khác không còn.

Anh Toàn – tài xế Now, cho biết đã 2 năm làm việc với ứng dụng giao hàng này, anh hoàn toàn không biết có chính sách bảo hiểm hay quyền lợi cho anh em tài xế, dù công ty gọi họ là đối tác. Thực tế, ngoài việc trừ chiết khấu 10%, tài xế tự lo các vấn đề còn lại, hoàn toàn không có chính sách nào công ty đóng bảo hiểm xã hội, tiền lương.

Chiều 22-3 tại bãi taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), anh Nguyễn Văn T. – tài xế Vinasun chạy xe 7 chỗ – cho biết hãng khuyến khích tài xế nhận khoán xe vì đây là xu hướng. Không cần biết tài xế mỗi ngày doanh thu được bao nhiêu, cứ theo loại xe là nộp về cho hãng 750.000 đồng trở lên. Nếu doanh thu hơn số tiền trên, trừ xăng dầu… tài xế có tiền, còn ngày nào ế là xác định lỗ.

Với Mai Linh, theo các tài xế, số lượng người ký hợp đồng lao động với công ty để hưởng lương, bảo hiểm xã hội… ngày càng ít hơn và chuyển sang xe thương quyền (tức là xe của tài xế nhưng đăng ký thương hiệu của Mai Linh).

Chính sách này giúp hãng tăng số lượng xe, thu phí quản lý thương hiệu, còn tài xế không có bất cứ chính sách nào về bảo hiểm y tế. Khác với Vinasun, Mai Linh vận động tài xế mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Trả lời về làn sóng “bắt chước” hãng xe công nghệ, lãnh đạo các hãng taxi như Vinasun và Mai Linh không đề cập cụ thể và cho rằng tất cả quyền lợi của tài xế vẫn được công ty quan tâm, hỗ trợ đầy đủ.

Cần công bằng với tài xế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tạ Long Hỷ – phó tổng giám đốc Vinasun, đồng thời là chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM – cho biết phán quyết của Tòa án cấp cao Anh yêu cầu Hãng xe Uber phải công nhận tài xế là nhân viên là hoàn toàn chính xác.

Ông Hỷ đồng tình cần xem lại vai trò của các hợp tác xã với tài xế xe công nghệ. Việc cho rằng tài xế là đối tác, ông Hỷ nhấn mạnh đây chỉ là một cách gọi luồn lách và không chính xác về bản chất. Dù là thị trường nhưng thực chất tài xế chỉ có quyền “chấp nhận thì làm, không thì thôi”.

Do đó, ông Hỷ cho rằng VN hoàn toàn có thể nghiên cứu và áp dụng tiền lệ mà Anh quốc vừa áp dụng đối với loại hình xe công nghệ để đảm bảo quyền lợi cho cả vạn tài xế.

Trong khi đó, Tuổi Trẻ liên hệ với Grab VN về việc Uber đã xem tài xế là nhân viên ký hợp đồng lao động, hưởng quyền lợi như lương, bảo hiểm, còn tài xế công nghệ Grab tại VN có sự thay đổi nào không, đại diện Grab từ chối và không bình luận về vấn đề này.

* Ông Ngọ Duy Hiểu (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Ủng hộ quan điểm của Anh

Tại VN, hàng trăm nghìn lái xe công nghệ dù làm việc hằng ngày song vẫn chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc đưa nhóm tài xế xe công nghệ, tài xế làm theo hợp đồng khoán xe vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là yêu cầu cần thiết, Tổng liên đoàn Lao động đang đeo đuổi việc này.

Xác định quan hệ việc làm đối với các lái xe công nghệ đã được Tổng liên đoàn Lao động quan tâm rất sớm, nhất là từ khi một số lái xe công nghệ ngừng việc, có những phản đối, kiến nghị về chính sách.

Chúng tôi ủng hộ quan điểm của Anh và một số quốc gia hiện nay, xác định họ với tư cách là một nhân viên. Theo đó, xác lập quan hệ việc làm, quan hệ lao động với họ (tài xế xe công nghệ – PV) và người sử dụng lao động để từ đó đảm bảo quyền lợi: lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi.

Hiện hàng trăm nghìn tài xế chạy xe công nghệ hầu như không ai được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong khi đây là nghề nguy hiểm, thường xuyên đối diện rủi ro. Một trong những vấn đề vướng mắc chính là việc chủ các hãng xe công nghệ luôn coi các tài xế là đối tác, nhưng hằng ngày các tài xế – người lao động đều phải tuân thủ các chỉ dẫn của họ về phân chia “cuốc” chạy, về xử lý kỷ luật lao động, cũng như về an toàn, đồng phục, giờ giấc… thể hiện rõ mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

Thời gian tới, lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ nhiều hơn. Chúng ta cần có cách tiếp cận mới về những quan hệ việc làm này. Nếu quan niệm cứng nhắc có thể sẽ loại bỏ họ khỏi lực lượng lao động cần phải bảo vệ.

ĐỨC BÌNH

70.000 tài xế Uber ở Anh được bảo hiểm, có lương

 

nintchdbpict000637189636 3(read-only)

Một trong những tài xế kiện thắng Uber tại Anh – Ảnh: INDEPENDENT

Mới đây hãng xe công nghệ Uber thông báo sẽ cấp tư cách nhân viên cho tất cả 70.000 tài xế của mình ở Anh. Những người này sẽ được hưởng lương tối thiểu, lương cho kỳ nghỉ và lương hưu, thay vì chỉ được chia tiền cước như trước. Động thái của Uber được thực hiện sau phán quyết của Tòa án cấp cao Anh đưa ra, yêu cầu hãng xe phải công nhận tài xế là nhân viên chứ không phải lao động tự do hay đối tác.

Uber trả cho người lái xe ít nhất bằng với mức lương đủ sống theo quy định của Anh là 8,72 bảng (12,16 USD) một giờ và sẽ tăng lên 8,91 bảng vào tháng tới, tính từ lúc tài xế bắt đầu nhận cuốc xe.

Bà Maria Figueroa – giám đốc nghiên cứu chính sách và lao động Viện lao động ĐH Cornell – cho rằng việc không coi tài xế như nhân viên trong khi Uber vẫn thực hiện chức năng của chủ lao động là không thỏa đáng. Bà nhận định những nước khác sẽ coi đây là bước đầu để đấu tranh.

TRẦN PHƯƠNG

C.TRUNG
TTO