26/12/2024

Giá tiêu ‘xập xình’, nông dân vui trong lo âu

Giá tiêu ‘xập xình’, nông dân vui trong lo âu

Sau thời gian dài giá dưới đáy, nông dân ở tỉnh Bình Phước phá bỏ vườn tiêu trồng các loại cây khác, hoặc bỏ hoang vì không có tiền đầu tư, mùa thu hoạch niên vụ 2020-2021 giá tiêu lại tăng khá mạnh rồi xập xình lên xuống.

 

Giá tiêu xập xình, nông dân vui trong lo âu - Ảnh 1.

Nông dân huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia thu hoạch tiêu – Ảnh: N.N.

Giá tăng mạnh rồi giảm nhẹ, nông dân “vui trong lo âu”

Từ đầu tháng 3 đến nay, ở các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), người trồng tiêu phấn khởi, tất bật thu hái “vàng đen” vì giá liên tục tăng. Người dân vẫn chưa vội bán mà trữ lại chờ tăng giá cao hơn.

Chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn 2, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng trồng 1.500 nọc tiêu trên cây keo, kết hợp nuôi dê theo mô hình khép kín. Vườn tiêu phát triển xanh tốt, mỗi vụ chị thu trên 4 tấn hạt khô, cao hơn mức bình quân chung trong vùng.

“Thương lái vừa ra giá 75.000 đồng/kg tiêu hữu cơ, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, nhưng tôi chưa bán. Hi vọng giá tiêu ổn định ở mức cao để người trồng tiêu chúng tôi bớt vất vả sau mấy năm lỗ nặng” – chị Thêm nói.

Gia đình ông Trần Văn Tuân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có 6ha tiêu cho thu hoạch hơn 3 năm nay. Nhờ kỹ thuật canh tác tốt mà 6ha tiêu của gia đình ông luôn xanh mướt, chuỗi tiêu dài chắc nịch, năng suất giữ mức từ 2-2,5kg tiêu khô/nọc.

Với 30 công lao động tích cực hái, đến nay vườn tiêu đã vào cuối vụ, ước đạt hơn 20 tấn tiêu khô. Trong những ngày gần đây, giá tiêu đã có chiều hướng tăng dao động từ 70.000 – 75.000 đồng/kg.

Ông Tuân nói: “Những ngày qua, giá tiêu liên tục “xập xình”, lúc tăng mạnh rồi lại giảm nhẹ khiến người nông dân chúng tôi “vui trong lo âu”. Mặc dù cao hơn nhiều những năm trước đây, tôi tiếp tục trữ lại để chờ tăng giá hơn nữa. Tính toán mọi chi phí đầu tư thì hiện bán tiêu vẫn chưa có lãi”.

Tìm hiểu thêm tại các vùng trồng tiêu chính ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cho thấy giá tiêu có xu hướng tăng mạnh từ đầu tháng 3 tới nay, và đà tăng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Một số nhà vườn lại nhận định: năm nay sản lượng giảm mạnh do diện tích thu hẹp, lại mất mùa, giá tiêu có thể còn tăng nữa, nên găm hàng chờ tăng giá.

“Chuyện thời sự” ở Bình Phước 

Ông Đỗ Xuân Thể ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp cho biết: “Cách nay 8 năm, khi tiêu được giá, tôi phá bỏ 2ha cao su để đầu tư trồng tiêu. Nhưng chưa kịp thu hoạch thì giá hồ tiêu giảm xuống đáy. Từ hơn 2.000 nọc, nay tôi chỉ còn khoảng một nửa, vì tiêu mất giá, không dám đầu tư chăm sóc, dẫn đến vườn tiêu héo hon, dịch bệnh. Tôi mong giá tiêu ổn định thì mới có khả năng trả nợ và đầu tư cho mùa tới”.

Năm nay, những hộ trồng tiêu ở Bình Phước phải thuê nhân công hái tiêu với giá khá cao, từ 180.000 – 220.000 đồng/người/ngày. Nông dân trồng tiêu tính toán, nếu cây tiêu chỉ đạt năng suất 2 tấn/ha thì sau khi trừ chi phí, người trồng không có lãi.

Ông Bùi Quốc Hai – chủ nhiệm Hợp tác xã tiêu bền vững Hưng Phước, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp – cho biết: “Với giá như hiện nay, nhiều thành viên trong hợp tác xã chưa bán vì tính các khoản chi phí chưa đủ vốn, do đó còn chờ đến khi giá hợp lý người trồng tiêu có lợi nhuận mới bán”.

Đề cập đến thực trạng phát triển cây tiêu ở tỉnh Bình Phước, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương này cho hay Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của cả nước, hiện tỉnh có hơn 16.000ha, vượt quy hoạch hơn 2.000ha.

Diện tích tiêu của tỉnh 3 năm qua giảm mạnh do giá luôn ở dưới đáy. Nhiều nhà vườn không cầm cự được phải chuyển sang trồng cây ăn trái. Phần còn lại thiếu đầu tư dẫn đến suy yếu kéo theo dịch bệnh, năng suất, sản lượng giảm.

Để khắc phục điệp khúc “được giá, mất mùa”, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch, sản xuất tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ bền vững đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đã giảm áp lực về giá, thị trường. Với việc trữ tiêu, một số hộ dân ở tỉnh hiện kỳ vọng tiêu tăng giá hơn nữa. Tuy nhiên tình trạng này cũng dễ dẫn đến hệ lụy làm mất cân bằng cung – cầu trên thị trường.

Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước nói: “Giá tiêu tăng đã trở thành chuyện thời sự ở Bình Phước. Ở địa phương này người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu nên cuộc sống cũng “lên xuống” theo giá tiêu, giá cao thì cả làng vui, còn giá thấp thì cả làng buồn”.

Trước những biến động mạnh về giá, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khuyến cáo: Hiện người dân mới bắt đầu thu hoạch rộ, dự kiến cuối tháng 4 mới kết thúc. Lúc đó sản lượng tăng lên cộng thêm tiêu Campuchia tràn vào, giá có thể sẽ không còn như bây giờ. Người nông dân nên cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, không vì giá tăng cao mà vay nóng để trữ hàng, tránh rủi ro khi giá xuống. Ngoài ra, chú ý đầu tư nâng chất diện tích hiện có, hạn chế tình trạng thấy giá tiêu lên cao lại mở rộng diện tích như những năm 2015-2016.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 3 đến nay giá tiêu có chiều hướng tăng khá mạnh, có lúc đạt 75.000 – 76.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc giảm nhẹ. Giá tiêu hôm nay 23-3 dao động từ 69.000 – 73.000 đồng/kg.

Giá tiêu xập xình, nông dân vui trong lo âu - Ảnh 4.

Nông dân huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia thu hoạch tiêu – Ảnh: N.N.

Giá tiêu xập xình, nông dân vui trong lo âu - Ảnh 5.

Nông dân huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, giáp Vương quốc Campuchia thu hoạch tiêu – Ảnh: N.N.

Giá tiêu xập xình, nông dân vui trong lo âu - Ảnh 6.

Tiêu đã trở thành cây chủ lực của nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Phước hàng chục năm qua – Ảnh: N.N.

Giá tiêu xập xình, nông dân vui trong lo âu - Ảnh 7.

Tiêu đã trở thành cây chủ lực của nhiều hộ nông dân ở tỉnh Bình Phước hàng chục năm qua – Ảnh: N.N.

BÙI LIÊM
TTO