Kéo học sinh ra khỏi ‘nỗi sợ’ môn lịch sử
Kéo học sinh ra khỏi ‘nỗi sợ’ môn lịch sử
Trong nỗ lực đổi mới cách dạy học nói chung và mong muốn học sinh thực sự yêu thích môn lịch sử, Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu áp dụng một cách dạy lịch sử mới.
‘
Môn học không khô khan như em tưởng
Thay vì dạy học 2 tiết rời rạc ở lớp, mới đây, Trường THCS Chu Văn An đã đưa học sinh 2 lớp 6C1 và 6C2 của trường đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia học chuyên đề lịch sử mang tên “Bước ngoặt lịch sử đầu thế kỷ XX”. Trong đó, các em được tìm hiểu một cách sống động về Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 938.
|
Mục tiêu của chuyên đề học tập này nhằm giúp học sinh thấy được sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt qua các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng (trống đồng, đồ gốm, …) cũng như sự tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển văn hóa, dân tộc.
Tìm hiểu về sự nghiệp chống giặc ngoại xâm được thể hiện qua các tư liệu hiện vật với các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí …
|
Các em được nghiên cứu sâu hơn về họ Khúc, họ Dương dựng quyền tự chủ, Ngô Quyền và nguyên nhân, ý nghĩa, cách đánh giặc độc đáo của Ngô Quyền qua chiến thắng Bạch Đằng năm 938, kết thúc một ngàn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, dân tộc.
Không chỉ được nghe thuyết trình, điều khiến các em hào hứng hơn cả là được tham gia tái hiện trận chiến Ngô Quyền, được tự mình kể lại trước thầy cô bạn bè về hiểu biết của bản thân sau buổi trải nghiệm thú vị. Học sinh còn được thử tái hiện lại cách đóng cọc trên sông Bạch Đằng ra sao…
|
Cùng tham gia trải nghiệm với học sinh, bà Vũ Hạnh Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, chia sẻ không đợi đến năm học sau, khi chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu triển khai đến lớp 6, từ vài năm gần đây nhà trường đã cố gắng áp dụng tinh thần đổi mới của chương trình, sách giáo khoa mới ở các môn học.
“Việc dạy học qua trải nghiệm thực tế, qua hành trình tự tìm tòi, khám phá của học sinh là một trong những cách tiếp cận ấy”, bà Nguyên nói.
Cũng theo bà Nguyên, có những sự kiện lịch sử nếu dạy rời rạc ở trên lớp theo từng tiết học mỗi tuần thì sẽ rất khó khiến học sinh hình dung ra câu chuyện lịch sử hào hùng của ông cha. Tuy nhiên, nếu xây dựng thành chuyên đề, tái hiện một câu chuyện lịch sử sống động thì học sinh chắc chắn sẽ rất hào hứng và không thấy đây là môn học khô khan, nhàm chán khi phải nghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, số liệu…
Kết thúc buổi học khá đặc biệt này, nhiều học sinh đều có chung nhận xét: môn học lịch sử không khô khan như em nghĩ.
|
Phạm Gia Bình, học sinh lớp 6C2, cho biết em rất thích đọc các các câu chuyện lịch sử, từng được bố đưa đến bảo tàng vài lần nhưng chỉ đơn thuần làm tham quan nhưng đây là lần đầu tiên em được trực tiếp tham gia các hoạt động đóng vai, tái hiện sự kiện lịch sử ngay tại bảo tàng nên mới hiểu sâu sắc và hình dung rõ rệt về ý nghĩa của sự kiện lịch sử.
Gia Bình và hầu hết học sinh 2 lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An đều có chung mong muốn là sẽ được học lịch sử cũng như các môn học khác thông qua trải nghiệm thực tế. “Ngay cả học ở trên lớp, em cũng mong các thầy cô tiếp tục đưa thêm nhiều tư liệu, hình ảnh khác ngoài sách giáo khoa để giờ học sinh động và dễ hiểu hơn”, Bình nói.
Đề thi môn lịch sử cũng cần thay đổi
Môn thi thứ tư kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nay lại ngẫu nhiên rơi vào môn lịch sử. Ngay lập tức, trên các diễn đàn, phụ huynh và học sinh “than thở” vì sợ phải học thuộc lòng, ghi nhớ các số liệu, sự kiện lịch sử quá nhiều để đi thi trong khi chỉ còn 2 tháng nữa kỳ thi này diễn ra.
Tại lớp học lịch sử tại bảo tàng, PV Thanh Niên cũng đặt vấn đề với Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An: “Phải chăng việc đổi mới các hình thức dạy học thông qua trải nghiệm thực tế, thực hành… mới chỉ dừng lại ở các lớp đầu cấp. Còn đến cuối cấp, cách thức ra đề thi như hiện nay khiến các trường buộc phải yêu cầu học sinh phải học thuộc bài học trong sách giáo khoa để đi thi?”.
|
Bà Nguyên cũng nhìn nhận, nếu trong những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10 hay tuyển sinh vào ĐH, CĐ đề thi chỉ kiểm tra nặng về kiến thức thì buộc cách dạy cách học cũng phải theo hướng học thật nhiều kiến thức để thi đạt kết quả như mong muốn.
Vì vậy, các hoạt động đổi mới giáo dục theo hướng cho học sinh tìm tòi, khám phá, trải nghiệm thực tế, dù muốn hay không cũng sẽ phải tiết chế ở các lớp cuối cấp để phục vụ cho việc ôn tập theo cách ra đề thi.
Do vậy, theo bà Nguyên, mong muốn của Trường THCS Chu Văn An cũng như các nhà trường nói chung, đó là việc kiểm tra, đánh giá, thi cử sẽ dần đồng bộ với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đó là đánh giá được năng lực thực sự của người học chứ không phải kiểm tra việc ghi nhớ máy móc.
Có như vậy, những phương pháp dạy học mới sẽ được các nhà trường tự tin triển khai mà không phải quá lo lắng vì câu hỏi: cách dạy học như vậy có phù hợp với cách ra đề thi hay không?.
TUỆ NGUYỄN
TNO