26/12/2024

BOT xa lộ Hà Nội trước ‘giờ G’

BOT xa lộ Hà Nội trước ‘giờ G’

Sau 9 năm dự án được đưa vào sử dụng, Trạm BOT xa lộ Hà Nội (TP. Thủ Đức) sẽ chính thức thu phí từ 1.4 để hoàn vốn.
BOT xa lộ Hà Nội trước 'giờ G'

Không để tắc nghẽn giao thông

Từ sáng sớm 20.3, dù nhằm ngày nghỉ cuối tuần nhưng rất nhiều tốp nhân viên của Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) – chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1 – đã có mặt tại UBND phường Thảo Điền, An Phú, các chung cư thuộc khu vực 2 tuyến đường song hành của trục xa lộ Hà Nội để hỗ trợ người dân dán thẻ ETC cho phương tiện và đăng ký đối tượng được giảm giá.
Theo quyết định mới nhất của UBND TP, nhằm hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện lưu thông qua Trạm BOT xa lộ Hà Nội sẽ được điều chỉnh giảm 10% trong năm đầu tiên (từ 0 giờ ngày 1.4.2021 – 24 giờ ngày 31.3.2022). TP.HCM giảm 100% giá vé đối với các loại xe buýt có tuyến cố định lưu thông qua Trạm xa lộ Hà Nội và giảm 50% giá vé cho ô tô dưới 12 ghế không sử dụng để kinh doanh của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động) trên mặt đường 2 tuyến đường song hành của trục xa lộ Hà Nội, bao gồm cả các hộ dân sống trên các chung cư trên mặt đường song hành. Do đó, trong thời gian qua, phía chủ đầu tư đã phối hợp cùng UBND 11 phường của TP.Thủ Đức thống kê danh sách các chủ phương tiện thuộc diện được giảm 50% mức thu dán thẻ ETC cho các chủ phương tiện này.
Đại diện CII cho biết trong 3 ngày 20, 21, 22.3, công ty điều động nhân viên chia thành 2 tốp, làm việc từ sáng tới chiều tại UBND P.Thảo Điền và An Phú để hỗ trợ chủ phương tiện. Người dân không chạy xe tới đăng ký được có thể làm thủ tục đăng ký trước rồi dán thẻ sau ngay tại khu vực trạm thu phí hoặc dưới các chung cư dọc 2 tuyến đường song hành. UBND các phường vẫn đang tiếp tục thống kê danh sách các đối tượng được giảm giá, gửi dữ liệu về cho CII để đồng bộ trên toàn hệ thống thu phí. Ngoài ra, công ty sẽ bắt đầu bán vé tháng, vé quý từ ngày 25.3 tới, nhận đăng ký tại văn phòng trạm thu phí, hỗ trợ tối đa để giao thông qua trạm được thuận tiện.

Thu phí sau 10 năm hoạt động

Nhìn lại cả quá trình từ xây dựng tới khi đưa vào hoạt động, hiếm có dự án BOT nào đưa vào sử dụng cả thập kỷ mà không thu phí như BOT xa lộ Hà Nội.
BOT xa lộ Hà Nội trước 'giờ G' - ảnh 1
Là tuyến huyết mạch kết nối cửa ngõ phía đông của TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương và đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhưng giai đoạn trước năm 2009, tuyến đường xa lộ Hà Nội và QL1A rất nhỏ hẹp, mỗi chiều chỉ có 2 làn xe nên thường xuyên ách tắc. Thời điểm đó, UBND TP.HCM đã nhiều lần kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia theo hình thức BOT nhưng rất ít nhà đầu tư hưởng ứng vì lúc đó Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đang thu phí hoàn vốn cho 2 dự án khác, nên nếu đầu tư thì phải chờ đến 10 năm sau mới được thu phí.
Sau nhiều lần xem xét và thực hiện chặt chẽ các yêu cầu của luật định, dự án sau đó đã được UBND TP giao cho Công ty CII làm nhà đầu tư theo hình thức BOT với vốn đầu tư là 2.287 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay, chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu và chi phí duy tu trong thời gian chờ thu phí). Trong quá trình dự án đang triển khai thi công, do ngân sách TP khó khăn, để hoàn thành đồng bộ cho tuyến đường và cập nhật chi phí lãi vay, UBND TP và CII tiếp tục ký phụ lục hợp đồng bổ sung xây dựng 2 cầu, đường vào Suối Cái trên 2 đường song hành, cải tạo đoạn rạch Suối Cái; bổ sung thêm dự án xây dựng nút giao thông tại cổng chính ĐH Quốc gia và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng của dự án xa lộ Hà Nội (đoạn tỉnh Bình Dương). Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh lên 4.905 tỉ đồng.
Từ năm 2012, toàn bộ trục đường chính đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thể thu phí. Nguyên nhân một phần do 2 đường song hành chưa hoàn thành 100% vì TP chưa bàn giao mặt bằng và bị chồng ranh với một số dự án khác như tuyến metro số 1, dự án vệ sinh môi trường TP, giai đoạn 2 và dự án tuyến ống truyền dẫn nước sạch D2400 mm từ ngã tư Bình Thái – cầu Điện Biên Phủ. Do đó, đường song hành 2 bên phải ngưng thi công để nhường cho 3 dự án này hoàn thành mới được làm để tránh bị đào xới nhiều lần, trùng lặp.
“Bình quân 1 tháng, chúng tôi phải thanh toán 40 tỉ đồng chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng; 1 năm, chi phí duy tu khoảng trên 50 tỉ đồng. Dù biết làm xong 10 năm mới được thu phí nhưng CII vẫn chấp nhận, đấy thực sự là quyết định quá mạo hiểm bởi giai đoạn đó còn chưa có kế hoạch làm metro số 1, chưa có các trục đường song hành, “chia lửa” với xa lộ Hà Nội như hiện nay. Rủi ro thu hồi vốn rất lớn”, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm – Phó tổng giám đốc CII nói.
Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1 đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn có tổng chiều dài 15,7 km. Trong đó, đoạn xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến ngã ba Trạm 2 cũ) chiều dài 11,5 km; Đoạn QL1(từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) chiều dài 4,2 km. Dự án đã được thi công, đầu tư từ năm 2010, bắt đầu được thu phí hoàn vốn từ 0 giờ ngày 1.4.
HÀ KHANH
TNO