27/12/2024

Chọn ngành học nên theo cá nhân hay phụ huynh?

Chọn ngành học nên theo cá nhân hay phụ huynh?

Hôm nay (20.3), ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi lần thứ 23 của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Đồng Nai. 

 

 

Học sinh tham dự ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hôm nay /// Đào Ngọc Thạch
Học sinh tham dự ngày hội khai mạc Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên hôm nay ĐÀO NGỌC THẠCH
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, qua Facebook/Thanh Niên và qua kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên. Chương trình thu hút gần 10.000 học sinh các trường THPT tham dự.
Ngày hội khai mạc đã cung cấp tới thí sinh nhiều thông tin mới, hấp dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021. Bên cạnh đó, nhiều băn khoăn về ngành nghề của học sinh đã được các chuyên gia giải đáp trực tiếp.

Chọn nghề như… “sống thử”

HS Ánh Linh (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Đồng Nai) thắc mắc thú vị: “Trong trường hợp mình chưa được hành nghề thì làm sao có thể nhận biết nghề có yêu mình hay không?”.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng chọn ngành nghề theo đúng sở thích cá nhân của mình, không nên theo sở thích cá nhân của phụ huynh. Lời khuyên này được thạc sĩ Hà đưa ra từ thực tế kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm của ông. Ông nói: “Không ít thí sinh chọn ngành phần nhiều theo ý kiến phụ huynh, vô tình làm cho thí sinh mất phương hướng”.
Ví von việc chọn ngành nghề giống như việc sống thử, thạc sĩ Hà cho rằng việc chọn đúng nguyện vọng cá nhân đôi khi mới chỉ đạt 80-90%, phần còn lại mới là… “sống thử”. Lý giải rõ hơn sự ví von này, thạc sĩ Hà nói: “Có những em 2 năm rồi mới cảm thấy không phù hợp ngành nghề và kiên quyết chuyển trường vì cảm thấy mình không thể đi tiếp ngành y. Tất nhiên số này không nhiều, chỉ một vài trường hợp trong số 1.200-1.400 thí sinh trúng tuyển vào trường. Nhưng từ đó có thể thấy, việc học tập trước hết nên dựa trên sở thích nguyện vọng của mình”.
Chia sẻ thêm thông tin ngành y khoa, theo thạc sĩ Hà: “Việc học 6 năm tốt nghiệp bác sĩ cũng chỉ mới bước vào đời. Sau đó, sinh viên còn phải học thêm 2-3 năm chuyên khoa hoặc cao học mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Bằng bác sĩ sau 6 năm cũng chưa thể hành nghề được”.
Trong một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bổ sung thêm: “Lựa chọn ngành nghề là lựa cái phù hợp với mình không nên lựa cái mình thích. Theo thầy thì học sinh nên nghe lời khuyên của ba mẹ mình – những người từng va chạm và có tầm nhìn. Tất nhiên, phụ huynh chỉ nên đưa ra lời khuyên, không nên áp đặt với con em mình”.
Còn về việc chọn ngành nghề, tiến sĩ Bảo cho rằng, khi cuộc sống hiện tại thay đổi nhiều như hiện nay, rất khó biết trong tương lai nghề nghiệp sẽ thay đổi ra sao. Do vậy, việc chọn nghề không nên chạy theo thời thế mà hãy làm tốt nhất hiện tại, học thật tốt và trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết.

Có sự khác biệt giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp không?

Cũng đặt câu hỏi tại chương trình, học sinh Vũ Ngọc Bích Đoan (Trường THPT Nguyễn Trãi, Đồng Nai) băn khoăn việc nữ giới học ngành kỹ thuật có bị hạn chế so với nam giới hay không.
Theo tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ xu hướng lựa chọn ngành nghề theo giới tính hiện nay đã thay đổi nhiều. Sự phân bố giới tính trong các ngành nghề kỹ thuật hiện đã cân đối hơn. Trước đây, tỷ lệ nam giới tương đối vượt trội hơn so với nữ trong các ngành nghề kỹ thuật, nhưng hiện nay tỷ lệ này có lúc chỉ 4-6.
Đến từ một trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, thạc sĩ Trần Thị Huế Chi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, bổ sung: “Thực tế nam giới học được gì thì nữ hoàn toàn học được khi có niềm đam mê yêu thích. Thực tế nữ giới có lợi thế rất lớn khi tham gia vào ngành nghề này, đặc biệt là ở khía cạnh kỹ năng mềm. Khi bạn có kỹ năng mềm đặc thù của nữ giới trong môi trường nam giới thì sẽ rất thành công”.
HÀ ÁNH
TNO