28/12/2024

TP.HCM sẽ là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á

TP.HCM sẽ là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á

UBND TP.HCM vừa phê duyệt đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2025, với mục tiêu phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thành phố trong vòng 5 năm tới.
TP.HCM hoàn toàn có đủ cơ sở vật chất và con người để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn tầm vóc khu vực /// NGỌC DƯƠNG
TP.HCM hoàn toàn có đủ cơ sở vật chất và con người để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lớn tầm vóc khu vực   NGỌC DƯƠNG

1.000 dự án khởi nghiệp mới

Cụ thể, đề án đặt ra một số chỉ tiêu như đến cuối năm 2025 sẽ hoàn tất phần hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 3.000 doanh nghiệp; ươm tạo, phát triển 1.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Tuy là một đề án của TP nhưng tham vọng của đề án đặt ra là tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới tầm khu vực, từng bước trở thành nền tảng vững chắc hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, phát triển sản phẩm chủ lực của TP, giúp nâng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) đến năm 2025 đạt từ 45 – 50%.
Để đạt mục tiêu trên, UBND TP.HCM đã đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ chính gồm: phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo UBND TP.HCM, việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của TP, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL và cả nước. Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, trung bình mỗi năm TP có khoảng 650 – 700 doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực.
Trước đó, quyết định ban hành Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” của Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 đã đề cập đến đề tài này với mục đích từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Mới đây, ngày 9.2.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 188 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844 nói trên, theo đó, bổ sung mục tiêu xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo phải cạnh tranh được với khu vực và quốc tế. Trong đó, có 3 trung tâm cấp quốc gia đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong Quyết định 188 sửa đổi, Chính phủ cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2025 có ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới và đến năm 2030, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phải xếp hạng 15 trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
TP.HCM hiện chiếm hơn 50% startup của cả nước, chắc chắn hệ sinh thái của TP phải lọt vào tốp một trong những hệ sinh thái mới nổi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương như mục tiêu đề án đưa ra.
TP.HCM sẽ là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á1

Tốc độ tăng trưởng chỉ sau Singapore và Indonesia

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 do Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu Startup Blink đánh giá dựa trên danh sách 100 quốc gia và 1.000 thành phố khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, và đang hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á… Báo cáo của Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures năm 2020 cho thấy, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đặc biệt, lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018. Cụ thể, tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup Việt Nam đạt 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư đạt 56 thương vụ. Trong đó, có 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị.
Chia sẻ với Thanh Niên, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng là một trung tâm khởi nghiệp lớn của Đông Nam Á bởi nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được. Ông nói, ý tưởng thì startup Việt không hề thiếu, rất nhiều ý tưởng hay và có thể mở rộng quy mô trong khu vực lẫn ra toàn cầu. Việt Nam với lợi thế dân số đủ lớn để các startup thử nghiệm và phát triển các ý tưởng của mình trước khi ra khu vực và toàn cầu.
Ngày 12.3 vừa qua, Sở KH-CN TP.HCM đã tổ chức Hội nghị cơ sở ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo 2021 nhằm tăng cường kết nối và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn TP cũng nhấn mạnh tham vọng này. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN, nhận xét trong những năm qua, startup triển khai rất nhiều các ứng dụng về ví thanh toán điện tử, gọi xe, giao hàng nhanh. Song, phần lớn là chạy theo trào lưu, xu hướng của nước ngoài, chưa chú trọng đến khía cạnh thiết thực phục vụ xã hội Việt Nam.

Tỷ lệ thành công chưa cao

Chuyên gia Robert Trần nhấn mạnh: “Điều tôi từng chia sẻ trước đây trước làn sóng startup phát triển ồ ạt, nhưng tỷ lệ thành công chỉ khoảng 3% do vội vàng bắt đầu ngay khi nghĩ ra ý tưởng nhưng chưa xác định rõ ràng mục tiêu kinh doanh. Nhiều trường hợp khi startup gọi vốn, nhà đầu tư nhảy vào nhưng hai bên lại bất đồng về giá trị theo đuổi. Startup đứng ở tâm thế là người đi xin vốn thay vì đi tìm nhà đồng hành để phát triển dự án. Nên nhớ, rất nhiều dự án gọi được vốn rồi, nhưng vẫn thất bại. Thứ hai, nhiều bạn trẻ hiện nay đang nhầm lẫn giữa hai cụm từ “startup” và “entrepreneur”, có nghĩa là người khởi nghiệp và người lập nghiệp, khác nhau hoàn toàn. Theo tôi biết, hệ sinh thái khởi nghiệp đã được hình thành và phát triển trong thời gian qua, song khung pháp lý, sự ưu đãi cho khởi nghiệp và chiến lược có định hướng rõ ràng, năng động hơn dường như còn thiếu”.
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn cho các tập đoàn lớn trên thế giới, ông Robert Trần tóm tắt 6 bước nền tảng cho một startup cần tuân thủ nằm lòng. Đó là xác định chiến lược, xác định mô hình kinh doanh, xác định mô hình hoạt động phù hợp với định hướng và mô hình kinh doanh, xây dựng cơ cấu tổ chức, từng bước sắp xếp – xây dựng văn hóa làm việc và thực hiện.
Khi giữa startup và nhà đầu tư bất đồng ý kiến ở phân khúc nào, theo ông Robert Trần, cả hai cần ngồi lại “tháo gỡ” ngay đoạn đó, đừng cố thay đổi khiến toàn hệ thống thất bại, bế tắc. Hiện tại, các quỹ đầu tư vào các startup rất quan tâm đến việc họ bỏ tiền vào Việt Nam và rút tiền ra khỏi Việt Nam thế nào. Một số nhà đầu tư nói thẳng việc bỏ tiền vào Việt Nam rất đơn giản, song rút ra là một quá trình. Ở Singapore, mọi cái đơn giản hơn vì họ có hệ thống pháp lý liên quan đầu tư cho startup cực kỳ chặt chẽ và được hướng dẫn miễn phí, chuyên nghiệp, tận tình của các chuyên gia tài chính của chính phủ ngay từ ban đầu. Nhiều du học sinh Việt tại Singapore, Úc… không quay về Việt Nam mà khởi nghiệp ngay tại nước họ du học vì tại đó, các quỹ đầu tư được bảo vệ tốt trong việc bỏ tiền vào cho các startup…
Ông Robert Trần nhận định: “Hoàn thiện khung pháp lý, bảo vệ được tài sản cho nhà đầu tư, năng động hơn trong hỗ trợ startup, hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp đổi mới… Việt Nam chắc chắn sẽ là trung tâm khởi nghiệp lớn của khu vực, thậm chí thu hút được startup các nước vào nhanh hơn, trong đó, TP.HCM là đầu tàu của cả nước”.
NGUYÊN NGA
TNO