01/11/2024

Tín dụng ‘phập phồng’ chờ chống dịch

Tín dụng ‘phập phồng’ chờ chống dịch

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 3 khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng việc hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang bỏ ngỏ do còn phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19.
Dòng vốn ngân hàng chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Dòng vốn ngân hàng chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh ẢNH: NGỌC THẮNG

Vốn chủ yếu vào sản xuất, nhà đất

Cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM phối hợp với UBND H.Củ Chi và 5 chi nhánh Agribank trên địa bàn TP.HCM tổ chức lễ ký kết trực tuyến hỗ trợ vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các chi nhánh Agribank ký kết hợp đồng cho vay với 115 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp (DN), hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nông thôn 582 tỉ đồng. Đây là buổi lễ ký kết đầu tiên trong năm của chương trình kết nối NH – DN năm 2021 tại TP.HCM với lãi suất cho vay ngắn hạn trong chương trình này tối đa 4,5%/năm và trung dài hạn 9%/năm.
Giám đốc một chi nhánh NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết lãi suất cho vay DN, đặc biệt lĩnh vực ưu tiên hiện nay tầm 5,5%/năm nhưng việc cho vay sản xuất kinh doanh không dễ trong những tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 quay trở lại.
NH cũng siết các quy định về vay hơn. Chẳng hạn ngoài phương án kinh doanh khả thi thì NH cũng yêu cầu tài sản thế chấp nhiều hơn để kiểm soát được dòng vốn. Các DN đã “thấm đòn” Covid-19 nên nhu cầu vay cũng thấp. Việc tăng trưởng tín dụng năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 của chi nhánh NH này chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua nhà đất, căn hộ để ở.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc NH TMCP Bản Việt, cho biết tăng trưởng tín dụng của NH Bản Việt tính đến thời điểm hiện nay khoảng 3%, mức tăng không đạt như kỳ vọng đưa ra 4 – 5% trong quý 1 và kỳ vọng chỉ tiêu 15% cho cả năm. Thường thì quý đầu tiên của năm, các NH sẽ đẩy mạnh cho vay để lấy đà cho cả năm. Hơn nữa, đặc điểm năm nay thanh khoản hệ thống tốt nên ngay từ đầu năm, các NH đã cạnh tranh nhau để thu hút khách hàng, đặc biệt là các DN. Đối với NH Bản Việt, khách hàng cũ hiện nay vẫn vay và giải ngân bình thường, còn tăng trưởng khách hàng mới chưa được mạnh so với kỳ vọng, trong khi nhu cầu vay của khối khách hàng cá nhân (sản xuất kinh doanh, mua nhà) tăng tốt hơn.

Nhu cầu vay vốn chậm lại

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP 2 tháng đầu năm tăng 1,5% so với cuối năm 2020, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng vốn chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là chính, chiếm tỷ trọng 71%, còn lại bất động sản chiếm 13,8% và cho vay tiêu dùng 15,2%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết tính đến ngày 12.3, tăng trưởng tín dụng của ngành NH khoảng 0,95% so với cuối năm 2020 và dự báo quý 1 tăng trưởng tín dụng vào khoảng 1,5 – 2%. Mức tăng trưởng này tương đương với các năm khác và cao hơn cùng kỳ năm ngoái, chỉ ở mức 0,68%. Dòng vốn từ NH chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất như công nghiệp xây dựng tăng 0,6%, thương mại dịch vụ tăng 0,9%…; đối với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tăng ở công nghệ cao 0,05%, công nghiệp hỗ trợ tăng 2,24%. Tín dụng ở các lĩnh vực được xem là tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán giảm 10%, BOT giảm 1,6%, riêng bất động sản tăng 0,95%. Việc hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay không phải đến từ lãi suất cao hay thấp mà do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do dịch Covid-19 gây ra nên nhu cầu vay vốn chậm lại, nhất là của các DN vừa và nhỏ. Từ năm ngoái đến nay, các NH liên tục giảm lãi suất cho vay, nhu cầu tín dụng đã xuất hiện trở lại nhưng chưa mạnh so với thời điểm bình thường. Ông Tuấn Anh kỳ vọng nhu cầu tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh vào quý 3.
Kế hoạch tăng tín dụng năm 2021 được đưa ra vào đầu năm ở mức 12% nhưng trước những diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 – 13%, có thể lên đến 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực thi, cần thêm thời gian tiêm vắc xin thì tín dụng có thể tăng từ 10 – 12%. Kịch bản 3, dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm thì tăng trưởng tín dụng khoảng 7 – 8%. Trong 3 kịch bản này, ông Nguyễn Tuấn Anh kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, còn kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng vẫn phải đưa ra.
Cuối quý này, NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng nhà băng theo định hướng chỉ tiêu 12% nhưng tùy thuộc vào quy mô tăng trưởng, quản trị, NH mạnh yếu khác nhau mà chỉ tiêu này cũng được điều chỉnh linh hoạt. Còn đối với những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, các NH phải tuân thủ theo quy định.
THANH XUÂN
TNO