24/11/2024

Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: ‘Đứt ruột’ chia cắt gia đình, làm lại từ đầu

Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: ‘Đứt ruột’ chia cắt gia đình, làm lại từ đầu

Vợ thất nghiệp, chồng công việc bấp bênh nhưng vẫn muốn trụ lại ở Sài Gòn nên vợ chồng anh Hậu tính khi lãnh xong trợ cấp thất nghiệp sẽ gửi con về quê cho ông bà, cắm mặt cày cuốc làm lại từ đầu.
Để tiếp tục trụ lại được Sài Gòn, vợ chồng chị Xuyên sẽ phải gửi con về quê /// Ảnh: Vũ Phượng
Để tiếp tục trụ lại được Sài Gòn, vợ chồng chị Xuyên sẽ phải gửi con về quê  ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Sống ở Sài Gòn 15 năm, trong tay chưa có gì ngay cả chiếc xe đi làm nhưng vợ chồng anh Lê Văn Hậu (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) đứt ruột gửi con về cho ông bà nuôi để bắt đầu lại dù phải chịu cảnh bấp bênh hay thất nghiệp vì dịch Covid-19..

“Nhịn nhục” vì cuộc sống

Chiều chủ nhật, len lỏi vào các dãy trọ gần một công ty giày da vừa giải thể ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), chúng tôi dừng lại trước một cặp vợ chồng đang bắc ghế ngồi đầu ngõ cho cậu con trai chừng 5 tuổi ăn cơm. Tô cơm chỉ có duy nhất miếng trứng chiên cùng một ít nước mắm. Đó là thức ăn quen thuộc cả nửa năm qua của gia đình anh Hậu và chị Lữ Thị Xuyên (33 tuổi, quê Nghệ An) sau khi chị mất việc vì dịch Covid-19, công việc anh cũng bấp bênh, mỗi tuần chỉ làm 2 – 3 buổi.
Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 1

Vì dịch, chị Xuyên thất nghiệp còn công việc của anh Hậu cũng bữa đực bữa cái  ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 2

Tiền đi chợ được cắt giảm tối đa, anh chị nhịn luôn ăn sáng để tiết kiệm   ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Ngày công ty giải thể, chị Xuyên cùng nhiều đồng nghiệp nộp đơn xin việc vào một công ty sản xuất khẩu trang. Khác với những thông báo khi tuyển dụng, thực tế công ty không có tăng ca, trả lương không đúng hẹn.

Chị kể, không trả lương đúng hẹn nên không ai có tiền lo sinh hoạt, đòi mãi không được đành phải nghỉ. Chị là người cuối cùng trong số những người quen trụ lại để đòi bằng được tiền lương. “Vậy mà chỉ đòi được 2 triệu, phải 2 tháng sau nữa mới đòi được 3 triệu còn lại”, chị lắc đầu.
Ngán ngẩm, chị đi tìm việc khác nhưng có nơi yêu cầu tăng ca tới 22 giờ, nơi thì lương quá thấp nên chuyển hướng đi làm giúp việc nhà theo giờ. Chị tâm sự: “Ngày đầu đi làm mình lau không vừa ý người ta nên bị nói, nói chung lúc đó cảm thấy nhục. Rồi mình cứ nói cố gắng làm thời buổi đang khó khăn, ai mướn gì mình cứ làm như vậy được rồi, cố gắng làm, làm tới bây giờ”.
Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 3

Căn phòng trọ này trước khi dịch Covid-19 xảy ra là nơi ở của 7 người  ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 4

Mọi chi tiêu trong nhà đều bị cắt giảm để xoay trở qua ngày   ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Mỗi giờ giúp việc nhà, chị Xuyên được trả tiền công 60 ngàn đồng, trung bình 1 tuần chị làm được 12 tiếng kiếm được 720 ngàn đồng.

Thu nhập giảm, nhưng tiền ăn, tiền nhà vẫn phải chi đều, anh chị cho biết đang bám lại Sài Gòn được là nhờ vào trợ cấp thất nghiệp, hết trợ cấp thì… thua!
Anh Hậu chia sẻ: “Trước khi công ty vợ giải thể, căn nhà trọ chật chội mà vợ chồng anh và ông ngoại đang ở còn có thêm gia đình 3 người nhà chị gái nữa. Chen chúc nhau ở nhưng các chi phí đều được chia nhau đỡ được nhiều phần. Khi thất nghiệp, anh chị đã về quê, còn nhà tôi vẫn ở lại”.
Hằng tháng, không đủ tiền chi tiêu, anh chị phải mượn thêm từ tiền lương bảo vệ của ông ngoại rồi có tiền thì trả lại ông. Bữa cơm nay cũng chỉ xuề xòa cho qua, ngày trước anh chị đi chợ ăn 100 ngàn đồng/ngày thì nay 50 ngàn ăn 2 ngày…

Xa con buồn lắm chứ!

Chị Xuyên cho biết, phòng trọ nóng hầm hập nên chiều về anh chị phải tranh thủ đưa con ra ngoài đường ngồi cho thoáng. Cậu bé 5 tuổi vừa ăn vừa chăm chú xem điện thoại, nhiều người nói anh chị chiều con, anh chị chỉ cười trừ, vì sắp tới cậu bé sẽ được gửi về quê ở với ông bà nội, anh chị ở lại Sài Gòn bắt đầu tìm việc mới để ổn định cuộc sống.
Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 5

Chiều đến, anh chị phải đưa con ra ngoài đầu hẻm cho thoáng  ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Anh Hậu là công nhân chuyên làm bìa carton, từ một người học việc với mức thù lao 20 ngàn đồng/ngày đến khi rành nghề, thu nhập của anh được 7 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi dịch đến nay, công ty trở lại trả lương theo ngày, mỗi ngày công được 250 ngàn đồng, mỗi tuần chỉ làm 2 – 3 ngày.

Anh bộc bạch: “Dịch mà ít việc lắm, nhưng công việc mình gắn bó bao lâu bỏ cũng không được. Cứ làm cách ngày lại nghỉ 1 – 2 ngày, nghỉ ít vậy nên tìm việc thêm cũng khó lắm, chỉ có người quen nhận cho mình phụ việc như hàn xì, phụ hồ. Còn nghỉ luôn ở đây thì không được vì đi làm còn đang đi ké xe máy với ông anh ruột, mười mấy năm làm Sài Gòn chưa mua được cái xe cho nhà mình”.
Vợ anh thì thất nghiệp, khó càng thêm khó, anh chị đành đứt ruột gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Mỗi lần nói tới dự định này, chị Xuyên lại xót xa: “Nó ở với mình nhỏ giờ mà giờ xa nhớ lắm, đứt ruột, chắc mình nhớ con hơn con nhớ mình ấy chứ. Nhưng con về quê thì tiết kiệm được nhiều chi phí, ở đây vợ chồng tôi tìm việc làm mới, cày cuốc để làm lại từ đầu, lo cho cuộc sống”.
Sau Tết thất nghiệp vì dịch Covid: 'Đứt ruột' chia cắt gia đình, làm lại từ đầu  - ảnh 6

Nhà trọ chật chội nóng hầm hập, anh chị thường ít ở trong phòng mà ra đường hít thở không khí   ẢNH: VŨ PHƯỢNG

Niềm an ủi duy nhất của anh chị có lẽ là ở với ông bà, con anh chị có thêm nhiều người anh em họ ngang tuổi chơi cùng. Đó cũng là những đứa trẻ con của anh chị ruột gửi lại nhờ ông bà chăm sóc để vào Sài Gòn làm ăn đã mấy năm trời.

Những ngày này, anh chị đang giữ con lại với mình thêm vài tháng nữa vì chị vẫn còn đang trong thời gian lãnh bảo hiểm thất nghiệp. Đến hè, bảo hiểm thất nghiệp hết, cũng là lúc phải đưa con về quê với ông bà.
“Giờ con lớn rồi, đưa về xong chúng tôi cũng ở nhà 1 – 2 tháng để con quen rồi mới quay lại thành phố. Ở đây quen rồi, còn về đó mùa hè thì quá nóng, mùa đông quá lạnh, ở đây tạm thời giờ thất nghiệp, nhưng sau này không có việc này thì làm việc khác, chứ về quê chỉ ruộng thôi”, chị Xuyên trải lòng.
VŨ PHƯỢNG
TNO