29/12/2024

Đức, Ý rơi vào ‘cảnh hỗn loạn’ sau khi dừng tiêm vắc xin AstraZeneca

Đức, Ý rơi vào ‘cảnh hỗn loạn’ sau khi dừng tiêm vắc xin AstraZeneca

Việc chính phủ các nước châu Âu ngừng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã tạo ra tranh luận và gây chia rẽ. Những người phản đối cho rằng việc dừng tiêm là “hại nhiều hơn lợi”, có thể khiến nhiều người mất niềm tin vào vắc xin.

 

Đức, Ý rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi dừng tiêm vắc xin AstraZeneca - Ảnh 1.

Những người phản đối dừng tiêm vắc xin AstraZeneca cho rằng điều này có thể làm tăng số ca mắc COVID-19 và khiến các nước tốn nhiều thời gian hơn để vượt qua đại dịch – Ảnh: REUTERS

Báo The Guardian của Anh mô tả Đức và Ý đã rơi vào cảnh “hỗn loạn” sau quyết định dừng tiêm vắc xin do AstraZeneca và Đại học Oxford nghiên cứu, sản xuất. Đây là hai quốc gia sử dụng nhiều vắc xin AstraZeneca nhất trong Liên minh châu Âu tính đến thời điểm hiện tại.

Ít nhất 7 người ở Đức bị tình trạng máu đông sau khi tiêm loại vắc xin trên, 3 người trong số này đã chết. Tại Ý, 8 người đã chết sau khi tiêm và 4 người khác gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.

Một loạt các quốc gia châu Âu trước đó đã ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca/Oxford.

Quyết định của chính quyền Đức và Ý nhận được phần lớn sự cảm thông trong nước. Ông Klaus Cichutek, người đứng đầu Viện Paul Ehrlich quản lý dược phẩm Đức, hi vọng người dân sẽ hiểu cho chính phủ.

Tuy nhiên, theo The Guardian, không ít người đã phản đối quyết định tạm ngừng tiêm vắc xin.

Ông Karl Lauterbach, một bác sĩ và là phát ngôn viên của Đảng Dân chủ xã hội Đức trong lĩnh vực y tế, cho rằng việc dừng triển khai vắc xin AstraZeneca/Oxford là một “sai lầm”. Ông lập luận hành động này là “lợi bất cập hại”, khiến nhiều người gặp rủi ro hơn.

“Chúng ta đều biết các phản ứng phụ này rất nghiêm trọng nhưng rất hiếm khi xảy ra như vậy. Cần phải cân nhắc kỹ điều đó. Những ảnh hưởng về mặt danh tiếng đối với loại vắc xin này là không thể sửa chữa.

Chúng ta đang ở trong đợt bùng phát dịch thứ ba. Việc dừng tiêm loại vắc xin sẽ tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và sẽ cực kỳ khó để khôi phục niềm tin công chúng vào vắc xin”, ông Lauterbach lập luận.

Tình cảnh cũng tương tự tại Ý, theo The Guardian. Việc Chính phủ Ý đột ngột dừng tiêm vắc xin AstraZeneca/Oxford khiến nhiều người hoang mang và tức giận, do Rome đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào loại vắc xin này.

“Tôi không thể hiểu nỗi họ dựa trên cơ sở nào để quyết định dừng tiêm. Điều tôi lo hơn nữa là bầu không khí nghi ngờ xen lẫn nỗi sợ của người dân đối với loại vắc xin mà chính phủ đã kỳ vọng nhiều”, ông Alessio D’Amato, một quan chức phụ trách y tế của vùng Lazio (bao gồm thủ đô Rome), nói với The Guardian.

Tại Pháp, quyết định của chính phủ gặp phải ít sự phản đối công khai hơn Đức và Ý. Trong một bài xã luận ngày 15-3, tờ Le Monde cho rằng sự thành công của một chiến dịch tiêm chủng không phải chỉ đến từ mức độ an toàn và hiệu quả của vắc xin mà còn nằm ở “sự tự tin mà nó tạo ra”.

“Trong trường hợp của vắc xin AstraZeneca/Oxford, rõ ràng yếu tố thứ hai đang được thử thách”, nhật báo nổi tiếng uy tín của Pháp lập luận.

BẢO DUY
TTO