Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn: Tuổi 18 có được ‘chông chênh’?
Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn: Tuổi 18 có được ‘chông chênh’?
Sáng nay, Sở GD- ĐT TP.HCM đã tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, trong đó đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn đề cập đến suy nghĩ của lứa tuổi 18.
Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 12 có chủ đề Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương bắt đầu bằng ngữ liệu là Lời tâm sự của một bạn trẻ :
“Tuổi 18,
Tôi lớn lên trong một thời đại mà môi trường sống bị hủy hoại, khí hậu biến đổi, dịch bệnh hoành hành. Những vấn nạn ấy khiến mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa người và người bị đứt gãy.
Tôi lớn lên trong một thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mọi thứ, công nghệ hiện đại dần thay thế con người trong mọi lĩnh vực. Thực trạng ấy khiến con người mất niềm tin vào bản thân, nơm nớp nỗi lo “bị thay thế”.
Tôi lớn lên trong một thời đại mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa. Những thay đổi và xung đột ấy khiến con người hoang mang, mất phương hướng.
Tuổi 18, một tuổi trẻ chông chênh và lo lắng…
Từ đó đề đưa ra 2 yêu cầu: “Câu 1: Anh/chị có đồng ý với suy nghĩ của bạn trẻ trên? Hãy viết bài văn để đối thoại với bạn trẻ ấy.
Câu 2: Theo anh/chị, trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn con người như thế nào? Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, anh/chị hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên”.
|
Giáo viên Lê Minh Tân, dạy ngữ văn tại Quận 10, TP.HCM, nhận xét, đề văn rất hay, khơi nguồn cảm xúc cho người viết.
Câu nghị luận xã hội đặt ra vấn đề rất gần với tuổi trẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra, rồi các thông tin buồn về môi trường, bạo lực, niềm tin… Là người trẻ, ở lứa tuổi chuẩn bị bước vào đời, sự chông chênh và âu lo của tuổi 18 là có, tuy nhiên chông chênh nhưng không lo lắng…
Vì vậy, đề hay ở điểm đã khơi được đúng những suy tư, trăn trở của lứa tuổi. Có em sẽ chông chênh và lo lắng, có em chông chênh nhưng không lo lắng, có em thì hoàn toàn vững vàng… Mỗi học sinh sẽ có một cách đối thoại riêng theo suy nghĩ và quan điểm của riêng mình, nhưng chắc chắn sẽ đậm chất tuổi 18. Với dạng đề này, giám khảo sẽ hiểu và học thêm rất nhiều ở những học sinh của mình khi chấm bài.
Còn ở câu nghị luận văn học, thầy Lê Minh Tân bày tỏ cảm xúc khá thú vị khi đề cập đến chức năng của văn chương trong thời đại nhiều đổi thay như hiện nay. Trước sự đổ bộ của các loại hình giải trí, công nghệ, sự thay đổi chóng mặt về tâm lý và nhu cầu của con người, một lần nữa, chúng ta bình tâm lại để thấy được vai trò của văn học đối với con người.
Vì vậy, những cảm nhận phải chân thật, sâu sắc; sự hiểu biết về tác phẩm phải sâu chứ không dừng lại ở kiểu nắm đại khái, khuôn mẫu, phải nhìn thấy được sự lay động của tác phẩm với bản thân… thì mới có thể viết hay và thuyết phục. Đề sẽ gợi được sự sáng tạo của học sinh, đặc biệt, mở được những mạch nguồn cảm xúc mà các em dành cho văn học bấy lâu nay…
Một giáo viên dạy ngữ văn tại Quận 4, TP.HCM, cho rằng, đề thi đòi hỏi thí sinh có sự phản biên và thể hiện suy nghĩ của tuổi 18 trước những chông chênh. Không cho phép “tuổi 18” dừng lại ở việc đồng tình hay không đồng tình với lời tâm sự mà phải đưa ra những góc nhìn về cuộc sống và thời đại.
Qua đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn, học sinh sẽ thấy được sự kết nối giữa văn chương và cuộc sống. Văn chương không chỉ nằm trên trang giấy mà là những cái nhìn đa chiều, là những cái nhìn tích cực, niềm tin vào cuộc sống…
BÍCH THANH
TNO