Bộ GD-ĐT trả lời về băn khoăn khi học sinh dùng điện thoại trong giờ học
Bộ GD-ĐT trả lời về băn khoăn khi học sinh dùng điện thoại trong giờ học
Cử tri một số địa phương kiến nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc và quy định chặt chẽ hơn việc cho phép học sinh THCS và THPT được sử dụng điện thoại trong giờ học.
Cử tri TP.Đà Nẵng cho rằng, việc cho phép học sinh THCS, THPT sử dụng điện thoại trong lớp học sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn là tác dụng tích cực và đề nghị Bộ GD-ĐT cân nhắc lại quy định này.
Còn đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thì cho biết cử tri thành phố kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ để nhà trường, giáo viên kiểm soát chặt vấn đề này, đề xuất nghiên cứu phát triển một nền tảng ứng dụng để học sinh khi sử dụng internet chỉ sử dụng được chương trình đó mà không sử dụng những chương trình khác như mạng xã hội, game… giúp các em tập trung vào việc học tập
Trong văn bản trả lời cử tri về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho biết, tại điều 37 Thông tư số 32 của Bộ GD-ĐT về các hành vi học sinh không được làm có quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Như vậy, việc sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh chính là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh (trong đó có điện thoại) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra.
Để hướng dẫn giáo viên và các nhà trường quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học và kinh tế – xã hội của địa phương, Bộ GD-ĐT có Công văn số 5512 18.12.2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục: “không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả học sinh phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.
“Như vậy, việc sử dụng điện thoại ở trường về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm và học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình học sinh”, Bộ GD-ĐT khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới tổ chức nghiên cứu, tiến tới có kế hoạch xây dựng ứng dụng để các em học sinh khi sử dụng internet chỉ “vào” được chương trình phục vụ cho công tác học tập của học sinh ở trường phổ thông.
TUỆ NGUYỄN
TNO