01/01/2025

Vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá

Vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… nhập khẩu và trong nước đã đồng loạt tăng giá khiến giá thành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong đầu năm 2021 cao hơn đáng kể so với năm 2020.

 

Vật tư nông nghiệp đồng loạt tăng giá - Ảnh 1.

Vận chuyển hàng hóa từ tỉnh về chợ đầu mối ở TP.HCM – Ảnh: Q.ĐỊNH

Những tháng đầu năm 2021, phân bón như DAP, đạm và NPK tăng giá rất mạnh theo giá thế giới. Bên cạnh đó còn nguyên nhân cước vận chuyển tăng. Ước tính phân bón chiếm khoảng 30% chi phí trong trồng trọt.

Bên cạnh phân bón, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật (trừ sâu, trừ nấm, diệt cỏ…) cũng tăng mạnh. Ông Hoàng Hải – tổng giám đốc Tập đoàn An Nông – cho biết các nhà cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu… đều thông báo tăng giá 10-30%, buộc nhà sản xuất trong nước phải tăng giá bán, vì thế hàng đến tay nông dân không còn giá cũ.

Tương tự, với ngành chăn nuôi, giá nguyên liệu nhập khẩu về đến Việt Nam cũng đã tăng từ 10-50% so với quý 3-2020.

Ông Phạm Đức Bình – tổng giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai) – cho hay do Việt Nam phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu nên khó tránh khỏi áp lực tăng giá. Vì sao giá thế giới tăng? Ông Nguyễn Đức An Sơn – chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Richfarm Việt Nam, chuyên kinh doanh phân bón, có trụ sở tại TP.HCM – cho rằng dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp là một tình trạng khẩn cấp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Và nhiều nước đã hạn chế xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực.

Cước vận chuyển cũng tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TP.HCM cho biết xăng dầu tăng giá mạnh khiến công ty phải tăng 10% cước vận chuyển nhưng chưa nhận được sự đồng ý của chủ hàng.

Trong lĩnh vực vận tải, giá xăng dầu chiếm đến 30-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải, từ đó dẫn đến tăng giá thành sản phẩm và khả năng nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước vận chuyển từ 5-10% so với tháng trước.

Tương tự, ông Lâm Đại Vinh – giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh – cho biết việc giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua khiến cho chi phí vận hành của công ty tăng thêm 4-5%.

Đối với vận chuyển hành khách như taxi vẫn đang cố gắng “cầm cự”. Lãnh đạo một hãng taxi tại TP.HCM cho biết hiện việc đi lại đang xuống rất thấp, nếu điều chỉnh giá tăng thì nhu cầu sẽ càng xuống thấp, doanh nghiệp chồng chất khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp taxi sẽ cố gắng cầm cự, chưa điều chỉnh giá.

C.TRUNG

TRẦN MẠNH
TTO