27/12/2024

Nhiều doanh nghiệp chia cổ tức ‘khủng’

Nhiều doanh nghiệp chia cổ tức ‘khủng’

Dù dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, nhưng ngược lại vẫn có những đơn vị đạt kết quả kinh doanh tốt và chia cổ tức cao cho cổ đông.
Nhiều doanh nghiệp tăng tiền trả cổ tức năm 2020 bất chấp dịch Covid-19 /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Nhiều doanh nghiệp tăng tiền trả cổ tức năm 2020 bất chấp dịch Covid-19 ẢNH: NGỌC THẮNG

Cổ tức bằng tiền mặt lên 80 – 100%

Theo báo cáo thường niên, Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 80%, tương ứng với tổng giá trị gần 192 tỉ đồng. Kết thúc năm vừa qua, công ty này ghi nhận tổng doanh thu tăng 35% lên 263,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 23% lên 290,9 tỉ đồng. Như vậy, giá trị chia cổ tức chiếm khoảng 66% lợi nhuận cả năm 2020 đạt được.
Đây cũng là công ty thường xuyên trả cổ tức cao. Năm trước đó, 2019 mức cổ tức bằng tiền mặt của NTC lên 100% (tương ứng một cổ phiếu (CP) nhận được 10.000 đồng); năm 2018 chi cổ tức với tổng tỷ lệ 200% hay năm 2017 tỷ lệ cổ tức là 60%. CP NTC đang được giao dịch trên sàn UPCoM với giá 269.800 đồng, cao nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Hay Công ty CP thực phẩm Cholimex (CMF) cũng thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông năm 2021 và trả tạm ứng cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 50%, thay vì tỷ lệ dự kiến chỉ 15% như kế hoạch đưa ra từ đầu năm 2020. Trên thị trường, CP CMF của Cholimex cũng luôn nằm trong nhóm có thị giá cao và hiện đang giao dịch xoay quanh mức 161.000 đồng/CP.
Tương tự, dù kế hoạch ban đầu đưa ra tỷ lệ cổ tức cho cả năm 2020 chỉ là 10% nhưng mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP SCI E&C (SCI) cũng đề xuất tăng mức cổ tức lên 70% bằng tiền. Tổng số tiền cổ tức công ty này dự chi cho năm 2020 là gần 178 tỉ đồng.
Trong năm vừa qua, ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió bùng nổ giúp các đơn vị xây lắp điện như SCI E&C có nhiều việc làm. Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% lên 1.545 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gấp hơn 4,4 lần năm 2019, đạt 185 tỉ đồng. Thông tin này cũng đẩy CP SCI tăng mạnh lên giá 63.000 đồng, tăng 26% so với đầu năm.
Một doanh nghiệp (DN) khác cũng đề xuất chia cổ tức cao hơn kế hoạch do lợi nhuận năm vừa qua tăng mạnh là Công ty CP dược phẩm Trung ương 3 (DP3) với tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2020 tỷ lệ 80% (1 CP được nhận 8.000 đồng), tăng gấp đôi so với kế hoạch. Năm ngoái, công ty này ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ còn gần 400 tỉ đồng nhưng lợi nhuận tăng 38% lên 114 tỉ đồng và cũng là mức lãi kỷ lục. CP DP3 đang giao dịch quanh vùng đỉnh lịch sử 140.000 đồng. Một DN lớn là Công ty CP dược Hậu Giang (DHG) cũng đề xuất tăng cổ tức năm 2020 lên 40% thay vì kế hoạch chỉ chia 30%. Tương đương Dược Hậu Giang sẽ chi 523 tỉ đồng cổ tức do lợi nhuận cả năm vừa qua tăng 16% lên 740 tỉ đồng…

Ngân hàng tăng chi cổ tức bằng cổ phiếu

Nhiều ngân hàng (NH) thường chỉ chia nhỏ giọt hoặc nhiều năm liền không chia cổ tức luôn là điều khiến các cổ đông nhỏ phản đối trong những kỳ họp đại hội cổ đông trước đây. Nhưng năm nay, một số NH đã đưa ra kế hoạch sẽ chi cổ tức cao bằng CP.
Tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi nhà đầu tư trên thị trường nhưng với các công ty hoạt động ổn định, luôn chia cổ tức bằng tiền mặt cao thì chắc chắn đây là những DN có hoạt động bền vững, tình hình tài chính lành mạnh với dòng tiền dồi dào đáng để quan tâm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải
Chẳng hạn, hôm qua 15.3, NH Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông tin dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng CP, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020. Sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng lên mức gần 21.300 tỉ đồng, tăng 21% so với vốn điều lệ hiện tại.
Trước đó, NH TMCP Á Châu (ACB) vừa đưa ra tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với mức cổ tức 25% bằng CP, tương ứng với việc phát hành thêm 540 triệu CP từ nguồn lợi nhuận để lại. Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 27.019 tỉ đồng. Hay Hội đồng quản trị NH TMCP Quốc tế (VIB) cũng sẽ trình cổ đông tăng vốn điều lệ thêm 4.437 tỉ đồng, lên 15.531 tỉ đồng thông qua hình thức chia CP thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 40%. Đây là năm thứ 2, VIB tăng vốn điều lệ qua việc chia CP thưởng ở mức cao. Trong năm 2020, VIB là NH có tỷ lệ chia cổ tức, CP thưởng cao, ở mức gần 30%…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định trong tình hình lãi suất tiết kiệm giảm mạnh chỉ còn khoảng 6% cho kỳ hạn một năm thì các DN trả cổ tức cao bằng tiền mặt luôn được nhà đầu tư săn đón. Nhiều công ty giá CP hiện nay chỉ khoảng 40.000 – 50.000 đồng nhưng cổ tức được chia bằng tiền mặt cũng ở mức 30 – 40%, tương đương một CP nhận được 3.000 – 4.000 đồng. Quy đổi tương đương thì nếu bỏ ra 100 triệu đồng để mua CP của những DN này thì cổ tức nhận được sẽ cao hơn gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Đó là chưa kể thông tin chia cổ tức cao luôn giúp CP đó tăng giá trên thị trường và nhà đầu tư cũng có lợi nhuận.
Còn với những CP giá quá cao thì dù tỷ lệ cổ tức lên 80 – 100% bằng tiền mặt thì tỷ suất lợi nhuận đó cũng không cao hơn lãi tiết kiệm (ví dụ CP Công ty Nam Tân Uyên giá gần 270.000 đồng nhưng nhận được cổ tức là 8.000 đồng thì thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm). Riêng việc trả cổ tức bằng CP thì nhiều nhà đầu tư sẽ không thích vì lượng CP được phát hành ra quá nhiều sẽ làm pha loãng giá trị. CP khi về tới tài khoản của nhà đầu tư thông thường bị giảm so với trước khi chia…
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO