25/11/2024

Cảnh báo dệt may vượt hạn ngạch

Cảnh báo dệt may vượt hạn ngạch

Một số mặt hàng áo bó, áo chui đầu, áo cài gile, cardigans… của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh Kinh tế Á – Âu năm 2020 bị cảnh báo vượt ngưỡng ưu đãi thuế nhập khẩu theo hiệp định thương mại tự do với EAEU.
Một số mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EAEU bị cảnh báo vượt hạn ngạch cho phép /// ẢNH: NGỌC THẮNG
Một số mặt hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EAEU bị cảnh báo vượt hạn ngạch cho phép ẢNH: NGỌC THẮNG

Vượt quota hay bị “dìm hàng”?

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) mới đây lại tiếp tục cảnh báo hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) vượt hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu, theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU (Việt Nam – EAEU FTA). Cụ thể, các mặt hàng kể trên thuộc mã HS 6110 có ngưỡng ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2020 là 1.519.373 kg, song lượng hàng xuất trong năm qua lên đến 1.640.902 kg.
Phía EAEU mới lưu ý về nhóm hàng mã HS 6110, tuy nhiên theo thống kê hải quan thì nhóm hàng dệt may gồm váy, đầm, quần áo phụ nữ (thuộc nhóm mã HS 6104) cũng đã vượt ngưỡng quy định, đạt 414.973 kg trong khi mức quy định là 382.796 kg. Vấn đề này đã được EEC cảnh báo hồi tháng 9 và tháng 11.2020 do lượng hàng xuất khẩu vượt ngưỡng hạn ngạch cho phép theo hiệp định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tuy vượt ngưỡng ở mức thấp, song theo điều 2.10 của Việt Nam – EAEU FTA quy định về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng dệt may đang có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ. Nếu xảy ra, các mặt hàng dệt may nói trên của Việt Nam vào thị trường EAEU sẽ bị áp mức thuế MFN – đối xử tối huệ quốc trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng. Không chỉ các mặt hàng trong nhóm dệt may, theo danh sách theo dõi các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2020, có 13 mặt hàng xuất khẩu Việt Nam được xác định có nguy cơ cao như gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng xuất khẩu vào Mỹ, đệm mút xuất khẩu vào Mỹ, tủ gỗ xuất sang Mỹ, lốp xe sang châu Âu và Mỹ…
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết liên tục mấy ngày qua, các thành viên trong hội cũng truyền tin nhau về cảnh báo này nhưng chính họ chưa nhận được cảnh báo, kể cả từ các đối tác lớn ở thị trường EAEU cũng chưa có thông tin.
“Thị trường EAEU bao gồm các nước thuộc Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, báo cáo sơ bộ cho thấy, lượng hàng của doanh nghiệp (DN) thuộc hội xuất sang một số thị trường này không có biến động trong năm qua, thậm chí đơn hàng sụt giảm mạnh liên tục mấy tháng châu Âu bị dịch lan rộng. Thực tế, năm nay đơn hàng không thiếu, nhưng khó khăn với ngành là giá cả đang bị cạnh tranh dữ dội. Các đối thủ hàng dệt may của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh đều hạ giá để lấy đơn hàng. Chúng tôi chỉ e ngại liệu có không việc thông tin “dìm hàng” nhau trong bối cảnh các nước cạnh tranh nhau trong đại dịch không?”, vị này băn khoăn.

“Đèn vàng” với xuất khẩu dệt may

Chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty SeaAir Global, lại coi cảnh báo trên là “đèn vàng” mà ngành dệt may phải quan tâm. Nếu vi phạm, việc bị phạt là trong tầm tay, bằng không, DN cũng mất rất nhiều thời gian, tiền của chỉ để giải trình, lý giải… Trong thực tế, chính cơ quan hải quan nhiều lần cảnh báo lượng hàng dệt may, gỗ xuất khẩu bị “trộn” nguyên liệu từ nước không thuộc ưu đãi theo quy định của EAEU FTA hay EVFTA, bị phát hiện, chặn lại.
“Trộn bao nhiêu phần trăm thì không rõ, nhưng tình trạng gian lận trong xuất khẩu là đã xảy ra. Với một số mặt hàng dệt may có chất lượng tốt hơn hẳn hàng từ Trung Quốc, nhưng giá thành cao không cạnh tranh được. Trong thực tế, chúng tôi từng gặp khách hàng làm hàng gia công từ Trung Quốc sang đây đặt nhà máy, đã trộn hàng làm hoàn chỉnh vào hàng sản xuất tại Việt Nam để lấy xuất xứ, xuất đi, lượng hàng tăng đột biến. Nếu không “lọc” được những lô hàng này, chắc chắn ngành dệt may bị ảnh hưởng”, ông An nói.
Có một thực tế là các DN lớn trong ngành dệt may chưa thực sự tận dụng được ưu đãi từ các FTA mang lại, chủ yếu là DN nước ngoài mà cụ thể là DN gia công xuất khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan… Với thị trường EU, cái khó của chúng ta là chưa chủ động được nguồn nhập khẩu nguyên liệu như vải từ Hàn Quốc, chỉ một số trong đó chủ yếu là DN nước ngoài.
Ông Phạm Xuân Hồng
Theo ông An, cơ quan hải quan đã đưa ra cảnh báo kiểm tra đối với DN có lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến, mới thành lập mà đơn hàng xuất tới tấp… là “đánh trúng điểm huyệt” trong gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, chúng ta cần kiểm tra, giám sát các DN có mã số REX (cơ chế được Liên minh Châu Âu sử dụng, cho phép nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa của mình) về việc họ chấp hành đúng quy định về tự chứng nhận xuất xứ hay không. Mục đích để chính sách này không bị lợi dụng cho hành vi trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước và chính xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Hồng nhận định: “Chúng ta hay nói về việc tận dụng tốt các FTA, tuy nhiên, năm qua, do sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này vẫn giảm, ảnh hưởng lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Hai mặt hàng truyền thống thế mạnh của Việt Nam là hàng veston và sơ mi trong năm qua giảm đến 70 – 80% kim ngạch xuất khẩu, năm nay có thể tăng, nhưng khó phục hồi như trước dịch.
NGUYÊN NGA
TNO