04/01/2025

Kích hoạt “hộ chiếu vắc xin”?

Kích hoạt “hộ chiếu vắc xin”?

Một số điểm du lịch hấp dẫn tại Đông Nam Á đang dần mở cửa đón khách trở lại. 
Nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) /// ảnh: ngọc thắng
Nhận giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) ẢNH: NGỌC THẮNG
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nhưng việc có nên áp dụng “hộ chiếu vắc xin”, mở cửa đón du khách vẫn còn nhiều e ngại.

Các nước rục rịch “tính kế” mở cửa

Ngay sau khi số ca mắc Covid-19 tại “thiên đường du lịch” Bali (Indonesia) có dấu hiệu giảm mạnh trong vài tuần, chính phủ nước này đã có kế hoạch mở cửa trở lại du lịch Bali khi tiến hành xây dựng các quy tắc, quy định cho hoạt động du lịch tại hòn đảo này, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại thiên đường du lịch Bali và một số điểm du lịch khác thông qua chương trình “Hành lang không Covid-19”. Theo đó, bộ này kêu gọi chính phủ nghiên cứu khả năng mở cửa trở lại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp cho khách du lịch, trong đó có du khách nước ngoài. Theo kế hoạch, các “vùng xanh” cho khách du lịch từ một số quốc gia (trong đó có Trung QuốcSingapore) sẽ được thiết lập tại Bali gồm Nusa Dua, Ubud và có thể được mở rộng đến Nusa Penida cùng một số khu vực khác.

Cơ sở pháp lý và công nghệ

TS Lương Hoài Nam phân tích: Hai khó khăn lớn nhất đối với “hộ chiếu vắc xin” là cơ sở pháp lý và công nghệ: Cơ sở pháp lý đối với các “hộ chiếu” do nước ngoài cấp và các “hộ chiếu” do Việt Nam cấp. Còn công nghệ, nếu nói về “hộ chiếu số” là làm thế nào để kết nối, liên thông được các hệ thống của các nước với nhau và cung cấp giải pháp truy cập cơ sở dữ liệu cho rất nhiều nơi có nhu cầu kiểm tra, xác nhận thông tin (ví dụ sân bay, khách sạn).

Trong khi đó, Singapore cũng mở cửa biên giới và đàm phán thỏa thuận đi lại song phương với các quốc gia an toàn. Chính quyền đảo quốc sư tử đã có thỏa thuận nới lỏng các hạn chế và thiết lập “bong bóng du lịch bằng đường hàng không” (Air Travel Bubble), đồng thời ban hành chính sách “Thẻ thông hành hàng không” (Air Travel Pass) cho phép khách du lịch từ những quốc gia an toàn, có thể nhập cảnh với mục đích du lịch – giải trí trong ngắn hạn mà không cần cách ly tại nhà. Mới nhất, Singapore vừa đưa vào hoạt động Trung tâm hội nghị Connect@Changi nhằm tạo điều kiện cho du khách đến công tác gặp được nhau thay vì phải chờ đến hết thời gian cách ly, bước đầu khôi phục tổ chức các sự kiện MICE (du lịch kết hợp với hội họp, khen thưởng, triển lãm và sự kiện).

Không chịu kém cạnh, một số công ty du lịch lớn ở Thái Lan đang phát động chiến dịch “Mở cửa Thái Lan an toàn” nhằm kêu gọi chính phủ cho phép đón du khách quốc tế trở lại từ ngày 1.7 tới. Thủ tướng Thái Lan cho biết nước này đang nghiêm túc nghiên cứu về ý tưởng “hộ chiếu vắc xin” để chuẩn bị sử dụng trong tương lai.
Không chỉ các nước Đông Nam Á, các quốc gia Nam Âu như Hy Lạp, Síp, Tây Ban Nha và nhiều nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch cũng đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu áp dụng “hộ chiếu vắc xin” để mau chóng mở cửa lại thị trường du lịch. Điển hình, Israel – quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất thế giới – đã xúc tiến thực hiện cung cấp “hộ chiếu vắc xin” cho người dân và quy định những người đã tiêm phòng được đến các khách sạn, phòng tập thể thao.
Kích hoạt “hộ chiếu vắc xin”? - ảnh 1

Du lịch đang tìm kiếm cơ hội phục hồi sau dịch ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tìm “cửa hẹp” mở du lịch quốc tế

Tại Việt Nam, mặc dù tình hình kiểm soát dịch bệnh đã khá ổn định, các hoạt động dịch vụ, thương mại đã dần trở lại bình thường tại hầu khắp các địa phương, du lịch nội địa vẫn liên tục được xúc tiến, khuyến khích nhưng vấn đề mở cửa cho du khách quốc tế vẫn còn bỏ ngỏ.
Văn phòng Chính phủ hôm 5.3 vừa có công văn gửi Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá đề xuất của TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), về vấn đề mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vắc xin Covid-19 để làm tiền đề nâng cao vị thế du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề trở ngại về cơ sở pháp lý và công nghệ đối với việc đưa “hộ chiếu vắc xin” vào thực tiễn.
Đề xuất triển khai “hộ chiếu vắc xin” của ông Lương Hoài Nam xuất phát từ nhận định: Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam sẽ mất nhiều năm để khôi phục trở lại mức trước đại dịch, có thể từ 3 – 5 năm. Đối với Việt Nam, công suất hệ thống lưu trú và nguồn nhân lực của các doanh nghiệp du lịch Việt đã được đầu tư, chuẩn bị đủ để phục vụ 20 triệu lượt du khách quốc tế, nhưng nguồn khách này bị mất gần hết do Covid-19, trong khi bản thân thị trường du lịch nội địa cũng bị sụt giảm 1/3 so với trước dịch, không thể hy vọng du lịch nội địa bù đắp được cho du lịch quốc tế.
Mặt khác, trong cuộc chiến chống Covid-19, khái niệm “vùng an toàn” thay đổi theo thời gian. Trước khi có vắc xin, “vùng an toàn” là nơi có ít dịch (như Việt Nam). Từ khi có vắc xin, “vùng an toàn” lại là nơi có tỷ lệ tiêm vắc xin cao (như Israel, sắp tới là Mỹ, châu Âu). Việt Nam không nên chậm chân với việc chào đón du khách đến từ các “vùng an toàn”, cũng như với việc người Việt Nam đi đến các “vùng an toàn”.
“Việt Nam chống dịch tốt và điều đó cần được chuyển hóa thành các lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế, trong đó có việc phục hồi và phát triển các dịch vụ du lịch, hàng không. Cần tìm kiếm các “cửa hẹp” để sớm khai thác du lịch quốc tế. “Hộ chiếu vắc xin” là một “cửa hẹp” khi số lượng ban đầu còn chưa nhiều, nhưng chắc chắn sẽ trở thành “cửa rộng” theo tiến độ tiêm vắc xin trên thế giới. Sẽ đến lúc số người có “hộ chiếu vắc xin” trở thành đa số áp đảo ở các nước. Nhằm vào những người đã tiêm chủng để khai thác du lịch quốc tế chính là nhằm vào các đối tượng khách hàng chính trong tương lai”, ông Lương Hoài Nam nêu quan điểm.
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết đơn vị này đang bàn biện pháp từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế nhưng sẽ không mở cửa ồ ạt mà sẽ phải xem xét, cân nhắc kỹ những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, lượng khách, hình thức tour trọn gói, các yếu tố về y tế như tiêm vắc xin, cách ly, phạm vi độc lập của các khu du lịch nghỉ dưỡng… Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang xây dựng đề án trình Chính phủ giao cho đơn vị này làm thí điểm đón khách quốc tế trong thời điểm thích hợp. Hiệp hội sẽ mời các công ty lớn tham dự vào dự án, đồng thời sẽ phối hợp với các bộ ngành về vấn đề này.

Thận trọng để không “lọt dịch”

“Hộ chiếu vắc xin” có thể trở thành “liều doping” cứu ngành du lịch, hàng không sau 1 năm kinh hoàng hứng đòn Covid-19. Song, hiệu quả của vắc xin đến giờ vẫn chưa được thống nhất, kéo theo nhiều lo ngại về vấn đề an toàn, kiểm soát dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do vì hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu còn hạn chế. Trong số những trường hợp xin nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo quy định hiện hành, những trường hợp này vẫn phải cách ly 14 ngày và xét nghiệm 2 lần như bình thường.
Khẳng định mở cửa du lịch quốc tế là mong muốn của tất cả các doanh nghiệp nhằm vực dậy thị trường, hồi phục kinh tế, tuy nhiên, TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, lưu ý “hộ chiếu vắc xin” chỉ phát huy hiệu quả nếu đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất, khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm thiểu tối đa rủi ro. Thứ hai, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ để đảm bảo khách khi đã được xét nghiệm bên nước sở tại, vào Việt Nam có thể yên tâm. Không đồng bộ thì vẫn có khả năng xảy ra để lọt nguồn lây nhiễm bệnh qua đường du lịch. Thứ ba, một khi đã đón thị trường quốc tế, phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.
“Cần nghiên cứu, cơ cấu, làm mới sản phẩm, làm sản phẩm mới, đào tạo lại đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp… Mở ra mà không đáp ứng được nhu cầu của khách thì không thể thực hiện trọn vẹn mong muốn từ “hộ chiếu vắc xin”, ông Lương nhấn mạnh.
HÀ MAI
 TNO