04/01/2025

Hàng cấm vẫn xuất hiện công khai trên mạng

Hàng cấm vẫn xuất hiện công khai trên mạng

Dù đã bị cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, ngăn chặn nhưng trang phục quân đội, sản phẩm chứa dược chất cấm… vẫn được quảng cáo và bày bán công khai trên mạng.
Gần 450 sản phẩm quần áo quân đội, cảnh sát được rao bán qua mạng /// ẢNH: QLTT TP.HCM
Gần 450 sản phẩm quần áo quân đội, cảnh sát được rao bán qua mạng ẢNH: QLTT TP.HCM

Từ quần áo đến thực phẩm chức năng

Trong tuần đầu tháng 3, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 12 thuộc Cục QLTT TP.HCM bất ngờ kiểm tra một điểm kinh doanh trữ hàng “giày sĩ quan” trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM), phát hiện 442 đơn vị sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm kinh doanh gồm: mũ mềm quân nhu; mũ mềm, bộ quần áo hải quân; áo khoác, bộ quần áo cảnh sát biển; sao gắn mũ cối, cầu vai hàm thiếu úy quân đội, quân hiệu quân đội có cành tùng; phù hiệu quyết thắng quân đội; ve nền quân đội; thắt lưng vải bố lính quân đội; thắt lưng sĩ quan công an được bán qua trang web giaysyquan.com. Toàn bộ sản phẩm này đều được quảng bá “hàng chính hãng” nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở này hoạt động lén lút, chỉ bán qua mạng và chỉ bán tại chỗ cho những người quen. Đội QLTT số 12 đã lập biên bản xử phạt cơ sở về 3 hành vi gồm: không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; kinh doanh hàng cấm và vi phạm thiết lập website thương mại điện tử (TMĐT) bán hàng.
Đây không phải lần đầu tiên QLTT phát hiện hàng hóa bị cấm vẫn được bán qua mạng. Giữa tháng 11.2020, Cục Thương mại điện tử – Kinh tế số (Bộ Công thương) đã nhận được công văn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phản ánh một số website, ứng dụng TMĐT đang bán các sản phẩm kẹo Hamer có chứa N – desmethyl Tadalafil là dược chất cấm dùng điều trị rối loạn cương dương theo phản ánh của Cơ quan Khoa học y tế Singapore (HSA). Cụ thể, kẹo Hamer đang bán được mô tả với công dụng “hỗ trợ tốt cho việc rối loạn cương dương, khắc phục tình trạng lãnh cảm, suy giảm ham muốn sinh lý”. Cục Thương mại điện tử – Kinh tế số đã yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân sở hữu các website, ứng dụng TMĐT cần rà soát các sản phẩm kẹo Hamer và hiệu lực của giấy phép tự công bố sản phẩm kẹo Hamer được bày bán; Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm kẹo Hamer. Thế nhưng hôm qua 14.3, khi gõ từ khóa tìm kiếm “kẹo Hamer” vẫn có hàng trăm ngàn trang web quảng bá và đang bán sản phẩm này. Trước đó, từ năm 2019 – 2020, các cơ quan quản lý đã phải vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn nhiều đơn vị và các website kinh doanh đồ chơi, bản đồ, giấy decal… có chứa “đường lưỡi bò” bị cấm theo quy định…
Hàng cấm vẫn xuất hiện công khai trên mạng - ảnh 1

Kẹo Hamer vẫn được quảng cáo và bày bán công khai trên nhiều website dù đã bị cơ quan quản lý nhà nước cấm kinh doanh

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Ngăn chặn từ đường biên, cơ sở sản xuất

Không chỉ có tình trạng hàng cấm vẫn bày bán công khai, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên online vẫn tràn lan, kể cả thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Cũng trong tuần qua, Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Nam đã phát hiện, thu giữ một lượng lớn thuốc đông y nghi giả được bào chế sẵn, không rõ xuất xứ, đang được đóng gói tại một cơ sở gia công đóng gói thuốc đông y gia truyền lớn tại địa phương này. Đây là cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động bán hàng online các sản phẩm thuốc chữa bệnh gia truyền và thực phẩm chức năng đông y các loại. Đại diện cơ sở không xuất trình được hồ sơ thủ tục hoạt động, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu, có dấu hiệu sản xuất hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng đông y. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 4.000 lọ thuốc đông y trị viêm xoang, chữa phụ khoa; hơn 2.000 hộp thuốc trị viêm họng, mất ngủ; hơn 1.500 gói thảo dược trị bệnh trĩ, xương khớp; các loại thuốc trị viêm mũi, giảm cân, tiểu đường và gần 500 kg bột nguyên liệu, viên nén các loại đã bào chế sẵn không rõ nguồn gốc hoặc trên bao bì có in tiếng nước ngoài; nhiều vỏ hộp in sẵn, ghi nhãn bằng tiếng Việt cùng nhiều tang vật liên quan khác. Quá trình làm việc, đại diện cơ sở khai nhận đã mua nguyên liệu được bào chế sẵn không rõ nguồn gốc, thuê người in bao bì, nhãn mác, đóng gói các sản phẩm và tổ chức quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội.
Ngoài QLTT, trong năm 2020, Cục Thương mại điện tử – Kinh tế số (Bộ Công thương) cũng tiếp nhận và xử lý 250 lượt phản ánh, bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng. Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ trực tiếp tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 11 trường hợp với tổng mức phạt hành chính trên 300 triệu đồng.

Cuối tháng 1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) đã kiến nghị thành lập hẳn một lực lượng chuyên trách chống hàng giả, hàng gian trên mạng. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, thừa nhận chống hàng lậu, hàng gian trên môi trường TMĐT là một trong những vấn đề phổ biến nhất nhưng cũng là khó khăn nhất của lực lượng này. Trong 1 – 2 năm tới, nhiệm vụ chính của QLTT sẽ là đấu tranh chống hàng gian, hàng giả trên môi trường mạng, “chứ không phải đi bắt, đi kiểm tra ở ngoài phố”, vì ngay cả các phương thức giao dịch, bán hàng truyền thống thì giờ đây cũng thỏa thuận trước trên mạng.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nhận xét: “Chúng ta có thể tự hỏi tại sao ở Singapore hầu như không ai dám sản xuất hàng giả? Bởi quy định của họ có thể bỏ tù ngay khi phát hiện và xử phạt đến mức tán gia bại sản. Còn như của ta thì tùy hành vi nhưng nếu so với số tiền thu lợi được thì tiền phạt rất ít nên nhiều người vẫn cứ làm. Vì vậy, vẫn cần phải tăng mức chế tài lên cao hơn và đơn vị kiểm tra, giám sát phải xử lý nghiêm minh”.
AN YẾN
TNO