24/11/2024

Cách nào để ngăn chặn học sinh đánh nhau?

Cách nào để ngăn chặn học sinh đánh nhau?

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Cần phải xem xét một cách thấu đáo cách để ngăn chặn tình trạng này.
Hai nhóm học sinh xích mích, đánh nhau tại TT.Xuân Trường (Nam Định) /// ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CLIP
Hai nhóm học sinh xích mích, đánh nhau tại TT.Xuân Trường (Nam Định) ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CLIP
Để có giải pháp hiệu quả, trước hết cần phải tìm hiểu đâu là nguyên nhân sâu xa của vấn nạn bạo lực học đường.
Theo ý kiến của nhiều thầy cô, học sinh đánh nhau cơ bản vẫn là do các em thiếu kỹ năng sống, thiếu làm chủ bản thân mình trong nhiều tình huống. Nguyên nhân khác xuất phát từ hoàn cảnh gia đình, từ môi trường xã hội, môi trường giáo dục trong nhà trường… Nhiều phụ huynh vì quá bận lo mưu sinh nên ít hoặc không quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của con em mình.
Về mặt xã hội, với sự phát triển của công nghệ internet (mặt trái), mạng xã hội, phim ảnh hành động, bạo lực, truyền thông… chưa được kiểm soát tốt nội dung đã tác động đến tâm lý lứa tuổi vị thành niên rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, nhà trường chưa thật sự quan tâm đến dạy đạo lý làm người, còn nặng về dạy chữ lý thuyết, điểm số, thiếu trải nghiệm thực tế… Là giáo viên dạy môn giáo dục công dân lớp 9, tôi nhận thấy việc dạy học chủ yếu truyền thụ kiến thức là chính. Đây cũng là hạn chế của chương trình giáo dục phổ thông 2006. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (mới) chú trọng dạy học phát huy phẩm chất năng lực học sinh thông qua hoạt động: trải nghiệm, tình huống, sự việc, hình ảnh…, hình thành phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cho học sinh trong các môn học, giúp các em sống có trách nhiệm hơn.
Để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi, chấm dứt bạo lực học đường, cần có sự phối kết hợp tốt giữa các lực lượng, đoàn thể, gia đình, xã hội một cách cụ thể bằng những việc làm thiết thực. Nhà trường cần phối hợp với các ngành chức năng ở các địa phương tăng cường phối hợp nắm vững tâm lý thanh thiếu niên học sinh, tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật đối với thanh thiếu niên, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hòa giải.
Chú trọng việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Đây là vấn đề mấu chốt để ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau. Các trường học cần có thầy cô chuyên làm công tác tư vấn tâm lý để giúp học sinh cân bằng tâm lý, kịp thời giải quyết những căng thẳng và khủng hoảng tinh thần. Rèn luyện cho các em kỹ năng giải quyết mâu thuẫn cũng như giảm nhiệt những hành vi hung hăng, gây gổ với bạn.
Tất cả những giải pháp trên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bài bản với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thầy cô thật sự là tấm gương sáng về nhân cách cho học sinh. Có vậy mới hy vọng ngăn chặn được việc đánh nhau của học sinh.
NGUYỄN VĂN LỰC
TNO