27/12/2024

Mùa nóng, bảo vệ sức khoẻ học sinh ra sao ?

Mùa nóng, bảo vệ sức khoẻ học sinh ra sao ?

Mùa nắng nóng luôn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh đối với học sinh. Có nhiều biện pháp thầy cô, cha mẹ cần biết để bảo vệ sức khoẻ cho con em mình.
Học sinh cần bảo vệ sức khỏe khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong mùa nóng /// ẢNH: PHẠM HỮU
Học sinh cần bảo vệ sức khỏe khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong mùa nóng ẢNH: PHẠM HỮU

Cung cấp nước đầy đủ cho trẻ

Tiến sĩ, bác sĩ (BS) chuyên khoa ngoại nhi Nguyễn Quốc Việt (Phòng khám chuyên khoa nhi VTCare) cho biết mùa hè đang đến cùng với khí hậu nóng ẩm cùng lúc các trường có nhiều hoạt động ngoài trời, ngoại khóa. Đây cũng là lúc học sinh (HS) dễ gặp các vấn đề sức khỏe nên cha mẹ cần quan tâm, có những biện pháp chăm sóc thích hợp.

Bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn phụ

Theo BS Nguyễn Quốc Việt, trong môi trường học đường, việc ăn uống tập trung sẽ khiến HS dễ bị ăn kém, ăn ít dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng. Đây cũng là nguyên nhân khi đi học, trẻ bị bệnh thường xuyên hơn. Phụ huynh và thầy cô cần quan tâm và chú ý hơn để trẻ có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hiện nay do trẻ bỏ bữa ăn sáng hay ăn quá vội gây ra các bệnh lý về dạ dày, tá tràng. Đặc biệt tình trạng này cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ giảm tập trung khi học. Vì vậy, phụ huynh có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong những bữa phụ (sữa hộp hoặc trái cây ăn nhẹ mang theo). Hạn chế mua và ăn quà vặt trong trường học. Hội phụ huynh HS cũng cần tăng cường trao đổi và hợp tác với thầy cô cùng ban giám hiệu để các bữa ăn chính tại trường của các con được đảm bảo tốt nhất cả về lượng lẫn về chất.

Theo BS Việt, mùa nóng, độ ẩm không khí khá cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi, các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan. Trong khi đó, trẻ em với làn da mỏng manh, nhạy cảm, khả năng kiểm soát thân nhiệt không hiệu quả, sức đề kháng chưa thật sự hoàn chỉnh sẽ nhiều nguy cơ bị bệnh. Ngoài ra, do ý thức vệ sinh chưa đầy đủ như người lớn nên trẻ em cũng là đối tượng dễ gặp các vấn đề sức khỏe trong mùa nóng.

Một số vấn đề sức khỏe trong mùa nóng mà HS thường gặp là mất nước, sốc nhiệt, bỏng nắng, rôm sảy và các bệnh truyền nhiễm. Chính vì vậy, khi đi học, hoạt động, vui chơi kéo dài trong thời tiết nắng nóng, HS cần được cung cấp đủ nước để tránh tình trạng mất nước. Những dấu hiệu cho thấy trẻ mất nước là mệt mỏi, khát nước, môi lưỡi khô, nước tiểu sậm màu, cảm thấy nóng, đuối sức…

Hạn chế hoạt động ngoài trời từ 11 – 15 giờ

BS Việt khuyên các phụ huynh nên chú ý để giúp bảo vệ trẻ trước tác động của nắng nóng bằng các biện pháp như: Hạn chế trẻ hoạt động bên ngoài vào thời điểm trời nắng gắt, thường là từ 11 – 15 giờ. Không nên để trẻ chơi ngoài trời quá lâu. Chú ý đội nón và sử dụng kem chống nắng cho trẻ, khuyến cáo dùng kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 15, ngăn cả tia UVA, UVB. Hướng dẫn và dặn dò những trẻ lớn tầm quan trọng của việc đội nón, tự bôi kem chống nắng dưới sự giám sát của người lớn. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thay quần áo ướt mồ hôi bằng đồ khô ráo. Ngoài ra, dạy cho trẻ tầm quan trọng của việc giữ mát, uống đủ nước ngay cả khi chưa có cảm giác khát. Giữ phòng sinh hoạt của trẻ luôn thoáng mát. Quan sát, theo dõi trẻ thường xuyên hơn khi trẻ học tập vui chơi trong môi trường nắng nóng.

Chú ý vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống

Mùa nóng, các tác nhân vi sinh gây bệnh dễ sinh sôi làm các bệnh như ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nhiễm siêu vi như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não, sởi, quai bị, sốt phát ban… dễ bùng phát. Các bệnh này dễ lây lan nhất trong các môi trường tập thể như trường học.
Vì vậy, cần hướng dẫn HS thực hành vệ sinh ăn uống. HS cần được hướng dẫn không ăn những thức ăn nghi ngờ về vệ sinh, quá hạn, không nên ăn thực phẩm ở những nơi có vệ sinh kém. Hướng dẫn giúp đỡ trẻ vệ sinh cá nhân, đặc biệt chú ý rửa tay thường xuyên với xà bông và nước sạch hay dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh phòng ốc như sàn nhà, mặt bàn ghế, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên. Tạo môi trường xung quanh thoáng đãng, trong lành cho trẻ. Vệ sinh định kỳ môi trường xung quanh, phát quang bụi rậm, dọn dẹp nước đọng quanh khu vực sinh sống, phun khử khuẩn hay phun diệt muỗi thường xuyên.
Phụ huynh tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách dinh dưỡng cân đối, uống đủ nước, rèn luyện thể lực, và đặc biệt chú ý cho trẻ chích ngừa đầy đủ các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp.
PHẠM HỮU
TNO