02/01/2025

Vì sao công nghệ thông tin thu hút học sinh?

Vì sao công nghệ thông tin thu hút học sinh?

Được xem là lĩnh vực ‘xương sống’ len lỏi, kết nối ở tất cả lĩnh vực trong đời sống, công nghệ thông tin được dự đoán sẽ là ngành học thu hút rất nhiều thí sinh và nhu cầu nhân lực ngành này sẽ rất lớn.
Đại diện các trường đại học tham gia buổi tư vấn ngày 11.3 đều cho rằng nhu cầu nhân lực khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin là rất lớn /// ĐÀO NGỌC THẠCH
Đại diện các trường đại học tham gia buổi tư vấn ngày 11.3 đều cho rằng nhu cầu nhân lực khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin là rất lớn  ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến Chọn ngành học tương lai với khối ngành công nghệ và công nghệ thông tin (CNTT) do Báo Thanh Niên tổ chức vào tối 11.3, diễn ra đồng thời trên các kênh của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok, chuyên gia đến từ các trường đại học đã nhận định đây sẽ là ngành hút rất nhiều nhân lực trong thời gian tới.

Công nghệ thông tin hiện diện ở mọi nơi

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, trong những năm gần đây, chúng ta đã quen với khái niệm như cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng là lĩnh vực CNTT, trong đó nổi bật là trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (big data).
Trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, những sản phẩm của CNTT và công nghệ nói chung thành nền tảng để kết nối các nền kinh tế, đặc biệt là kết nối giữa các quốc gia, gia đình, cá nhân với cá nhân…
Cùng chung nhận định, tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng những khái niệm như công nghệ 4.0, công nghệ chuyển đổi số, big data, công nghệ đám mây… đã trở nên phổ biến. Lĩnh vực này phủ khắp hầu hết các lĩnh vực trong đời sống từ việc gọi đồ ăn, đến xe ôm công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay các ứng dụng mang tầm vĩ mô.
Còn thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông – Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, thì cho rằng với sự ứng dụng của CNTT, tất cả mọi người, mọi lĩnh vực được kết nối linh hoạt.
“Ở dịch Covid-19, chúng ta vẫn có thể kết nối với nhau, vẫn gọi món ăn, nghệ sĩ tạo ra các buổi diễn online, hướng dẫn du lịch… dựa trên nền tảng của CNTT. Mặc dù chúng ta ở nhà nhưng vẫn trải nghiệm đời sống vật chất và tinh thần thông qua CNTT…”, ông Thái nói.

Nhu cầu nhân lực rất lớn

Cũng theo ông Võ Thanh Hải thì hiện nay, rất nhiều trường ĐH tuyển sinh các ngành liên quan đến công nghệ và CNTT. Tuy nhiên, ở mỗi trường sẽ có định hướng đào tạo riêng nên thí sinh phải nghiên cứu kỹ khi chọn ngành, chọn trường.
Đặc biệt, hiện nay, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng là ngành mới đang được quan tâm ở hầu hết các trường có khối ngành CNTT.
Còn theo tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, các trường ĐH có thể cung cấp và thỏa mãn tất cả những yêu cầu để giúp sinh viên phát huy được tối đa năng lực của bản thân. Do ngành này được đào tạo ở nhiều trường nên ông Ngô Minh Hải cho rằng khi chọn nghề, trước hết thí sinh phải hiểu được bản thân có thế mạnh gì và mong muốn như thế nào rồi mới chọn ngành, sau đó mới tính toán đến nhu cầu nhân lực trong tương lai. Sau cùng thí sinh cũng phải cân nhắc đến việc chọn trường phù hợp cùng với mức học phí hợp lý.
Từ thực tế này, nhận định về nhu cầu nhân lực của nhóm ngành CNTT, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng nhu cầu của thị trường sẽ rất lớn.
“Chúng ta thấy thực tế hiện nay, trường ĐH cũng đang hướng tới đào tạo ĐH số, cách học cá nhân hóa, mỗi người học thời gian khác nhau, và học bất cứ thời gian nào… Nên nhìn chung khối ngành về CNTT cơ hội việc làm rất nhiều và lương rất cao”, tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc nói.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải cho rằng khi chọn ngành học, thí sinh thường tính toán đến nhu cầu nhân sự trong tương lai. Nhưng thực tế, như 2 năm qua, dịch Covid-19 làm thay đổi tất cả những dự đoán trước đó. Những ngành trong tương lai sẽ định hình lại dựa trên xu hướng phát triển của xã hội.
Tuy nhiên để thành công khi ra trường làm việc trong lĩnh vực này, sinh viên cần trang bị thêm nhiều kỹ năng. Theo thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần phải trang bị các kỹ năng như: ngoại ngữ, giao tiếp, thực hiện dự án, phải cập nhật thông tin thường xuyên.
Tố chất để theo học được ngành CNTT
Theo thạc sĩ Lê Dũng, để theo học được ngành này thí sinh cần có một số tố chất cần thiết như yêu thích công nghệ, máy tính, có khả năng về toán, logic thì sẽ có lợi thế khi theo học.
Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được học thêm kiến thức chuyên ngành, kỹ năng để trau dồi cho bản thân. Khả năng ngoại ngữ cũng rất quan trọng với sinh viên theo những ngành học công nghệ. Ngành này ứng dụng ngoại ngữ rất nhiều nên sinh viên phải tự bồi dưỡng cho mình kỹ năng cần thiết này.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Huy, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhận định: “Để theo học ngành này, những sinh viên có tố chất học tốt các môn tự nhiên sẽ có nhiều lợi thế hơn. Ngoài ra ngành này cũng đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ cao vì bất kỳ một sai sót nhỏ có thể gây ra những hậu quả cao hoặc phải làm lại từ đầu.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân:
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân:
Ở mỗi trường sẽ có định hướng đào tạo riêng nên thí sinh phải nghiên cứu kỹ khi chọn ngành, chọn trường.
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen:
Tiến sĩ Lê Đình Phong, Phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Hoa Sen:
CNTT phủ khắp hầu hết các lĩnh vực trong đời sống từ việc gọi đồ ăn, đến xe ôm công nghệ, các ứng dụng trên điện thoại hay các ứng dụng vĩ mô.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông – Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến:
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Truyền thông - Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến:
Với ứng dụng của CNTT, tất cả mọi người, mọi lĩnh vực được kết nối linh hoạt.
Thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM:
Thạc sĩ Lê Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM:
Sinh viên cần phải trang bị các kỹ năng như ngoại ngữ, giao tiếp, thực hiện dự án… mới thành công khi ra trường làm lĩnh vực CNTT.
NGUYỄN LOAN
TNO