30/12/2024

‘Bộ tứ kim cương’ trước bước ngoặt lịch sử

‘Bộ tứ kim cương’ trước bước ngoặt lịch sử

Dự kiến hôm nay 12.3, lãnh đạo 4 nước thuộc “bộ tứ kim cương” là Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ tham gia hội nghị thượng đỉnh của nhóm này.
Chiến hạm của “bộ tứ kim cương” tham gia tập trận Malabar 2020 /// PACOM
Chiến hạm của “bộ tứ kim cương” tham gia tập trận Malabar 2020  PACOM
Theo thông báo của Nhà Trắng, hội nghị dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến và đây là lần đầu tiên diễn ra hội nghị thượng đỉnh của bộ tứ với cấp lãnh đạo chính quyền cao nhất gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
“Bộ tứ kim cương” được xem là nền tảng, thể chế hợp tác quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) tự do và rộng mở nhằm ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Nhấn mạnh tầm quan trọng

Trả lời Thanh Niên hôm qua 11.3, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Hội nghị là sự thừa nhận tầm quan trọng của “bộ tứ” đối với Mỹ, đồng thời cũng rất quan trọng khi Ấn Độ đang cam kết mạnh mẽ hơn với thể chế “bộ tứ” giúp định hình an ninh Indo-Pacific”.
“Trọng tâm trước mắt mà lãnh đạo 4 nước đặt ra lần này sẽ là đối thoại và cam kết cho việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Qua đó, “bộ tứ” có thể chứng minh với các đối tác ngoài nhóm rằng “bộ tứ” còn có thể cung cấp các hỗ trợ ngoài an ninh, để xóa bỏ hoài nghi rằng định hướng của “bộ tứ” chỉ là vấn đề an ninh và quân sự. Ngoài ra, hội nghị cũng có thảo luận phát triển cơ sở hạ tầng để tái phát triển sau đại dịch Covid-19. Một chủ đề quan trọng khác chính là thúc đẩy trật tự ở Indo-Pacific với các yếu tố tham chiếu cụ thể để ngăn chặn các hành xử kiểu “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” trong các vấn đề ở khu vực như tranh chấp tại Biển Đông, biển Hoa Đông…”, PGS Nagy đánh giá.
Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định: “Lãnh đạo của các nước “bộ tứ” sẽ tập trung thảo luận về Trung Quốc, tình hình Myanmar, sự hợp tác phòng chống Covid-19 và đặc biệt là hành vi của Trung Quốc đối với Úc. Trong đó, Myanmar là một vấn đề khó, nhưng có thể 4 nước sẽ phối hợp hành động ngoại giao cả công khai lẫn hậu trường nhằm tiến tới các cuộc đàm phán, khôi phục chính quyền dân sự”.

Thắt chặt liên thủ

Gần đây, “bộ tứ kim cương” đã không ngừng tăng cường hợp tác, đặc biệt về vấn đề an ninh.
Về cơ chế hợp tác, cả 4 thành viên của bộ tứ đều đã ký kết song phương với nhau về thỏa thuận “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) hoặc thỏa thuận “Hỗ trợ hậu cần” (LEMOA). Hai dạng thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), nhiên liệu, hệ thống thông tin liên lạc…
Bên cạnh đó, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ – Nhật Bản, Mỹ – Ấn Độ, Mỹ – Úc, Nhật Bản – Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.
Đến tháng 11.2020, Canberra và Tokyo đã ký thỏa thuận quân sự song phương có tên Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA). Đây là thỏa thuận tương đương với Thỏa thuận quy chế đóng quân (SOFA) mà Tokyo đã ký kết với Washington nhằm điều chỉnh các vấn đề phát sinh của việc quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Vì thế, cơ chế để phát triển thành một liên minh quân sự đã ngày càng được hoàn thiện trong nhóm “bộ tứ”, mở đường cho việc xây dựng một “NATO châu Á”. Tháng 11.2020, cuộc tập trận thường niên Malabar đã diễn ra với sự tham gia của tàu chiến đến từ “bộ tứ kim cương” là Mỹ – Nhật Bản – Ấn Độ – Úc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, cuộc tập trận Malabar có sự tham gia của cả 4 nước thuộc “bộ tứ”. Theo giới quan sát, chính các hành vi của Trung Quốc đang khiến “bộ tứ” phải tăng cường hợp tác, điển hình như sự hội ngộ trong cuộc tập trận Malabar năm 2020.
Trong bối cảnh như vậy, việc “bộ tứ kim cương” có hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của cấp lãnh đạo cao nhất trong chính quyền từng thành viên hứa hẹn sẽ trở thành bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của nhóm này.

Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông

Khu trục hạm Mỹ băng qua eo biển Đài Loan
Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) hôm qua thông báo một cuộc tập trận sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 12 – 14.3 và cấm tàu thuyền vào khu vực tập trận. Kết quả đối chiếu tọa độ được nêu trong thông báo trên Google Maps cho thấy khu vực tập trận nằm ở phía đông bắc đảo Hải Nam. Cục Hải sự Hải Nam không cung cấp chi tiết về cuộc tập trận. Trước đó, vào ngày 26.2, Cục Hải sự Quảng Đông thông báo rằng một cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc, tức vịnh Bắc bộ, từ ngày 1 – 31.3.
* Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho biết khu trục hạm USS John Finn đã thực hiện hành trình thường lệ qua eo biển Đài Loan ngày 10.3. Trong thông báo đăng trên trang web của mình, Hạm đội 7 nhấn mạnh chuyến đi của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke này phù hợp với luật quốc tế, đồng thời “thể hiện cam kết của Mỹ đối với Indo-Pacific tự do và rộng mở”. Hạm đội 7 khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép. Đây là chuyến băng qua eo biển Đài Loan thứ ba của tàu chiến Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Minh Trung – Huỳnh Thiềm
Canada cảnh báo mối đe dọa từ Trung Quốc ở Bắc cực
Phát biểu tại Hội nghị an ninh và quốc phòng Ottawa, diễn ra từ ngày 10 – 12.3, Thứ trưởng Quốc phòng Canada Jody Thomas cảnh báo rằng Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với những lợi ích của Canada ở Bắc cực vì nhu cầu của Bắc Kinh về tài nguyên thiên nhiên, theo tờ The Globe and Mail. Bà Thomas cho rằng Bắc Kinh đang chú ý đến khu vực Hành lang Tây Bắc của Canada vì băng tan mở ra các tuyến đường biển ở Bắc cực, thuận lợi cho hoạt động tàu thuyền và khai thác tài nguyên như hải sản, dầu khí và các khoáng sản quan trọng. “Chúng ta không nên đánh giá thấp mối đe dọa của việc Trung Quốc thăm dò nguồn tài nguyên ở Bắc cực”, bà Thomas cảnh báo.
Văn Khoa
NGÔ MINH TRÍ
TNO