10/01/2025

Học sinh béo phì, bị tật khúc xạ là do… sử dụng các thiết bị điện tử?

Học sinh béo phì, bị tật khúc xạ là do… sử dụng các thiết bị điện tử?

“Học sinh béo phì đang có xu hướng tăng nhanh. Một trong những nguyên nhân chính là các em có quá ít thời gian và điều kiện để vận động. Đến ngày thứ bảy, chủ nhật, nhiều em vẫn phải đi học”.

 

Học sinh béo phì, bị tật khúc xạ là do... sử dụng các thiết bị điện tử? - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Bông Sao, quận 8 tập thể dục giữa giờ. Tăng cường cho học sinh vận động là một trong những cách chống béo phì – Ảnh: H.HG.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phát biểu như vậy tại hội nghị duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành GD-ĐT TP.HCM chiều 11-3.

Ông Hưng cho biết: “Tình trạng học sinh thành phố bị suy dinh dưỡng đã được cải thiện khá tốt, nhưng tình trạng học sinh béo phì ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Các em học sinh ít có thời gian vận động, rèn luyện thể lực vì phải học quá nhiều. Đến ngày thứ bảy, chủ nhật, nhiều em vẫn phải đi học. Nếu có thời gian rảnh thì nhiều em lại chọn giải trí bằng các thiết bị điện tử, chứ không chơi thể thao”.

Ông Hưng đề nghị cần tăng thời gian cho trẻ vận động cả trong và ngoài nhà trường: “Các bậc cha mẹ nên tính toán để học sinh có thời gian, có điều kiện rèn luyện thể lực. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, đừng lạm dụng thức ăn nhanh, mà phụ huynh nên cân đối lượng rau xanh, củ, quả… trong bữa ăn hằng ngày cho con em mình để tránh béo phì”.

Không những thế, tại hội nghị, ông Hưng cũng cảnh báo: “Tình trạng học sinh bị các tật khúc xạ cũng đáng để lưu tâm. Hiện nay, đa số học sinh bị cận thị, chỉ một số ít bị loạn thị. Nguyên nhân chính khiến học sinh bị tật khúc xạ là do các em sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Các em mải mê với các trò chơi trên điện thoại, iPad, máy vi tính… trong thời gian dài khiến mắt không được nghỉ ngơi”.

Ông Hưng đánh giá: “Hiện nay nhiều trường phổ thông đã thay đổi bàn ghế cho phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhưng vẫn còn một số ít trường chưa thay đổi. Bàn ghế không phù hợp với độ tuổi học sinh rất dễ gây ra các tật về khúc xạ, cong vẹo cột sống… nơi học sinh.

Không những thế, tôi cũng đề nghị các giáo viên cần nhắc nhở học sinh thường xuyên về tư thế ngồi học cho đúng. Có lần tôi đi kiểm tra về y tế học đường, thấy nhiều học sinh ngồi viết mà đầu cúi sát xuống bàn học…”.

Về việc các nhà trường hiện đang gặp khó khăn khi tuyển nhân viên y tế học đường, ông Hưng kiến nghị: “Việc các trường thiếu nhân viên y tế học đường hoặc có nhân viên y tế học đường nhưng chưa đạt chuẩn ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của học sinh.

Bởi nhiệm vụ của nhân viên y tế học đường không phải chỉ là sơ cấp cứu ban đầu, mà là chăm sóc y tế thường xuyên, liên tục cho học sinh, lập kế hoạch theo dõi, tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe học sinh cho ban giám hiệu nhà trường.

Mong ngành GD-ĐT TP kiên trì đeo bám, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, giúp các trường có đầy đủ nhân viên y tế”.

HOÀNG HƯƠNG
TTO