Hai bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục ‘biến mất’ ở lớp 2
Hai bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục ‘biến mất’ ở lớp 2
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 nhưng đến lớp 2 chỉ còn 2 bộ. Nhiều ý kiến lo lắng về việc xáo trộn ở các trường tiểu học đang dạy 2 bộ sách giáo khoa bị xoá tên.
Lớp 1 học sách này, lên lớp 2 học sách khác ?
Theo Quyết định số 709/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 718/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 9.2.2021, có 3 bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành, trong đó có 2 bộ là: Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD) Việt Nam; bộ SGK thứ 3 được phê duyệt là Cánh diều của NXB ĐH Sư phạm, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM.
Như vậy, nếu như lớp 1 có 46 cuốn SGK của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn tiếng Anh; thì lên lớp 2, danh mục này chỉ còn 32 cuốn.
Ở lớp 1, NXB GD Việt Nam có tới 4 bộ SGK được phê duyệt và đang thực hiện trong năm học đầu tiên ở các trường tiểu học. Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy với những trường đã chọn 2 bộ SGK lớp 1 nhưng nay không còn “tồn tại” nữa (Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) thì năm học tới sẽ phải chọn lại SGK lớp 1 để đảm bảo tính nối tiếp hay không?
Trong 2 bộ SGK lớp 1 không còn tên khi lên lớp 2, thì bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện cũng chiếm hơn 14% thị phần trong tổng số 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ trưởng GD-ĐT phê duyệt, một số cuốn chiếm tới 40% thị phần; có tới 53/63 tỉnh, thành trên cả nước có trường tiểu học chọn bộ SGK lớp 1 này để giảng dạy.
Bộ GD-ĐT cũng từng phân tích kết quả chọn SGK lớp 1 của các sở GD-ĐT cho thấy tất cả 46/46 SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được lựa chọn. 61 địa phương chọn ít nhất từ 3 bộ sách trở lên, tính cả SGK môn tự chọn tiếng Anh; trong đó 35 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ. Những con số như vậy cho thấy việc thay đổi này sẽ có tác động không nhỏ tới việc chọn SGK lớp 2 sắp tới.
Không ít nhà trường và phụ huynh lo ngại, lớp 1 học sinh (HS) học SGK này, sang lớp 2 lại phải học SGK khác sẽ gây khó khăn và lo lắng không cần thiết trong việc học tập. Mong muốn chính đáng của người dân và cũng chính là người phải bỏ tiền ra mua SGK cho con học hằng năm, đó là SGK phải ổn định, lâu dài. Về mặt tâm lý, không phụ huynh nào muốn lớp 1 con học bộ SGK này, nhưng lớp 2 lại học bộ SGK khác.
Chắc chắn sẽ có xáo trộn
Một giáo viên dạy lớp 1 ở Hà Nội chỉ ra rằng, có một số cuốn SGK xây dựng tuyến nhân vật xuyên suốt để gây sự hứng thú với HS, giúp các em hào hứng học các bài tiếp theo. Bên cạnh đó, sự khác biệt thể hiện ở triết lý giáo dục, cách thức trình bày, việc sắp xếp trật tự chủ đề, cách dẫn dắt HS khám phá cái mới. Do vậy, nếu thay đổi, chắc chắn sẽ có xáo trộn ít nhiều, tùy từng cuốn sách. Ý kiến này của giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 cũng trùng với nhận định mà đại diện hội đồng thẩm định SGK lớp 1 từng phát biểu khi nói về tính đa dạng trong mỗi bộ SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khi thực hiện “thay” SGK lớp 1 năm trước, bộ SGK mang tên Chân trời sáng tạo của NXB GD Việt Nam từng có tỷ lệ chọn áp đảo ở các tỉnh phía nam, vì đây là bộ sách đầu tiên và duy nhất được biên soạn bởi tập thể tác giả phía nam, các kênh hình, kênh chữ sử dụng trong SGK mang đậm đặc trưng vùng Nam bộ. Đây cũng là bộ sách gây lùm xùm trong dư luận mà Báo Thanh Niên đã phản ánh khi NXB trả thù lao biên soạn cho lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM.
Như vậy, khi NXB GD Việt Nam chỉ còn 2 bộ SGK lớp 2 thì thị phần và cơ hội chọn SGK lớp 2 đã thu hẹp lại, khi 1 trong 2 bộ SGK của NXB GD Việt Nam có yếu tố vùng miền khá rõ rệt.
Nhà xuất bản nói “hoàn toàn không ảnh hưởng”
Ngày 10.3, trong văn bản gửi báo chí thông tin về việc triển khai SGK lớp 2, lớp 6 mới, NXB GD Việt Nam cho biết đã hợp nhất 4 bộ SGK lớp 1 thành 2 bộ lớp 2. Cụ thể, bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ SGK Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Mục tiêu của việc hợp nhất này, theo NXB GD Việt Nam, là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách và học liệu.
NXB GD Việt Nam cho rằng: “Việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và HS cũng như việc lựa chọn SGK”, bởi lẽ mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc lớp 1, HS đều phải đạt chuẩn tối thiểu đối với HS lớp 1.
Cũng NXB này lý giải, 4 bộ SGK lớp 1 của NXB GD Việt Nam tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của NXB trong việc biên soạn SGK. Vì thế, theo NXB này, “giữa 4 bộ SGK lớp 1 và 2 bộ SGK lớp 2 của NXB GD Việt Nam có một sự liên thông hết sức chặt chẽ”.
NXB GD Việt Nam cho biết thêm, ở lớp 1, với các địa phương tiếp tục sử dụng SGK Cùng học để phát triển năng lực hoặc SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, NXB GD Việt Nam vẫn tái bản, đảm bảo phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu.
TUỆ NGUYỄN
TNO