02/01/2025

Cho thuê sim lấy 2-4 triệu, coi chừng bị đòi nợ 50 triệu

Cho thuê sim lấy 2-4 triệu, coi chừng bị đòi nợ 50 triệu

Chỉ cần điện thoại nhận được tin nhắn mời vay tiền từ các công ty tài chính hay ngân hàng là có thể cho thuê hay bán sim với giá vài triệu đồng. Đã có hội nhóm quy tụ hàng ngàn người với ý định mua sim, vay xong rồi ‘bùng’.

 

Cho thuê sim lấy 2-4 triệu, coi chừng bị đòi nợ 50 triệu - Ảnh 1.

Các trang trao đổi mua bán SIM để vay vốn đang hoạt động rầm rộ trên mạng có thể đem đến rủi ro cho nhiều doanh nghiệp, người dân – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Người bán, cho thuê được chút lợi nhưng có thể gặp rắc rối sau này.

Thuê 2-4 triệu đồng/sim

“Anh chị em nào có sim mời vay của FE Credit như hình thì inbox em để có giá tốt. Giao dịch trực tiếp toàn quốc, có sang tên chính chủ” – đó là tin nhắn mời vay dạng: “Quý khách đủ điều kiện vay tiền mặt lên đến 50 triệu đồng, trả góp tối thiểu 604.000 đồng/tháng. Chỉ cần CMND. Soạn TM gửi 5566 (miễn phí) để đăng ký ngay”.

Trên nhiều diễn đàn, hiện đang xuất hiện các lời rao nhan nhản như “mua sim Vinaphone, Viettel nhận tin nhắn từ công ty tài chính với giá 1,5 triệu đồng/sim”; “chuyên cung cấp sim, chỉ cần CMND gốc hỗ trợ vay vốn đến 50 triệu đồng, không cần chứng minh lương, thu nhập”…

Chị Lan Anh (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay trước kia mỗi lần nhận tin nhắn mời vay dạng này chị thấy rất phiền phức, kiểu bị quảng cáo cưỡng ép. Tuy nhiên, qua một người bạn chị mới biết những sim điện thoại nhận được tin nhắn dạng này có thể bán được. Rao trên một trang chuyên dịch vụ này, chị được một người vào chào giá 2,5 triệu đồng, có người khác trả giá cao hơn, lên đến 4 triệu đồng, nhưng họ chỉ đồng ý thuê chứ không mua.

“Khi tôi hỏi thuê thì hình thức thế nào, một bên môi giới tư vấn là có những khách hàng muốn vay nhưng không có được các tin nhắn như vậy nên họ đứng ra môi giới cho người muốn vay lấy mã OTP và mã vay cho dễ dàng. Người vay không cần khai thông tin cá nhân, CMND hay sổ hộ khẩu mà chỉ cần soạn cú pháp và chờ cuộc gọi của công ty tài chính”, chị Lan Anh kể.

Hỏi về những phiền phức mà bên cho thuê sim phải chịu, bên tư vấn cho biết người cho thuê sim phải chặn cuộc gọi đến 1-2 ngày. Sau 1-2 ngày, khi ngân hàng nhắn tin chấp nhận cho vay, người cho thuê sim sẽ được chuyển tiền theo mức thỏa thuận. Nếu bị từ chối thì không nhận được tiền.

Hoạt động rầm rộ

Anh Tâm (Q.Bình Tân) cho hay anh cũng vô tình biết dịch vụ này khi tham gia hội nhóm vay tiền. “Tôi cũng thường nhận được các tin nhắn mời vay tiền dạng này của Mirae Asset, OCB COM-B… Khi tôi hỏi bên chào mời thuê sim là có phiền phức gì không thì họ trả lời trong thời gian cho thuê sim bên công ty tài chính sẽ gọi và làm phiền. Cách đối phó là người cho thuê chỉ cần nói nhầm số, không phải tên đó, chặn số là xong…” – anh Tâm kể.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện Hội mua bán sim vay tiền OCB, FE Credit, VPBank… lên đến 8.600 thành viên, bên cạnh những cá nhân cho thuê sim còn có những đầu mối chuyên gom sim, thậm chí tuyển cả cộng tác viên tư vấn qua Zalo. Những đầu mối này cho hay ngoại trừ mạng Vinaphone là họ mua sim (vì tỉ lệ vay thành công lên đến 90%), còn những nhà mạng khác chỉ thuê.

Trên thực tế đây là hình thức “trộm long tráo phụng”, tức người vay hoàn toàn khác với người đứng tên trên sim. Vay được vốn nhờ uy tín của chủ thuê bao nhưng ngay từ khi vay họ có ý định “bùng” nên nghĩ ra chiêu trả tiền thuê sim để xóa dấu tích. Cũng có những trường hợp từng vay và “xù” nợ, rơi vào nhóm nợ xấu nên đã nghĩ ra cách này để tiếp tục vay tiền.

Ngay trên diễn đàn cũng xuất hiện hàng loạt cảnh báo dưới các bình luận rằng đây là hình thức rất rủi ro và cái giá 2-4 triệu đồng thực sự quá rẻ, vì bên thuê sim có thể vay trót lọt vài chục triệu đồng rồi biệt tăm biệt tích, để lại hậu quả cho bên cho thuê sim chỉ vì ham món lợi nhỏ.

Cẩn thận tiếp tay lừa đảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện FE Credit cho hay thời gian qua xuất hiện nhiều chiêu thức nhằm qua mặt các công ty tài chính. Như ở sản phẩm vay tiền mặt qua sim điện thoại Viettel, nhiều đối tượng đã thu thập CMND, sổ hộ khẩu của khách hàng rồi từ đó chỉnh sửa toàn bộ hồ sơ và lập hồ sơ vay vốn.

Sau đó, họ mua sim điện thoại đủ điều kiện vay theo sản phẩm vay tiền qua sim Viettel để đóng giả khách hàng, trả lời tham chiếu. Khi hồ sơ vay được giải ngân, các đối tượng mạo danh khách hàng và sử dụng giấy tờ giả để rút tiền tại các bưu cục là đối tác của các công ty tài chính.

Ông Vũ Khánh Long – giám đốc quản lý rủi ro ATM Online – cũng cho hay các đối tượng lừa đảo có nhiều thủ thuật tinh vi mua bán CMND, sửa đổi thông tin, ghép hình giả vào CMND để mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc sử dụng vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Do vậy cách đánh giá hồ sơ vay truyền thống không ngăn chặn được hoàn toàn lừa đảo.

Các doanh nghiệp đã tung ra nhiều giải pháp ngăn chặn. “ATM Online đã đầu tư vào phát triển công nghệ, đặc biệt là các giải pháp đánh giá eKYC, giải pháp xác thực định danh điện tử TrueID, nhận diện gương mặt và nhận diện ký tự quang học, nhận diện giọng nói khi trao đổi qua điện thoại biết người thực trong hình selfie, người đang nói chuyện điện thoại.

Chuyên gia Huỳnh Trung Minh nhấn mạnh việc cho thuê sim để người thuê lợi dụng vay tiền công ty tài chính rồi biến mất cũng là một hình thức tiếp tay lừa đảo. Dù lý giải thế nào thì sẽ khó tránh việc bị truy đòi nợ sau này, khi các đối tượng thuê sim đã nhận tiền rồi cao chạy xa bay. Do vậy, đừng vì món lợi nhỏ trước mắt mà đem đến hàng loạt rắc rối cho mình trong tương lai.

Thủ đoạn phức tạp

Với sản phẩm cho vay qua thẻ tín dụng, có trường hợp làm giả hàng loạt CMND, hộ khẩu (hoặc có thể chỉnh sửa trên file mềm) của các khách hàng đã đăng ký mở thẻ tín dụng nhưng chưa nhận được thẻ.

Sau đó, các đối tượng này đóng giả nhân viên nhà mạng yêu cầu khách hàng cung cấp 5 số điện thoại chủ thuê bao thường xuyên liên lạc nhất và sử dụng CMND giả đến cửa hàng khai báo mất sim hoặc cháy sim để yêu cầu cấp lại, từ đó chiếm số điện thoại đăng ký mở thẻ của khách hàng.

Tiếp đó, đối tượng tự mình hoặc thuê người khác dùng giấy tờ giả để nhận và kích hoạt nhiều thẻ tín dụng, lấy các thẻ đã chiếm đoạt rút tiền tại nhiều địa điểm. Có trường hợp khi công an bắt, khám thấy có cả máy in chất lượng cao để in phôi CMND, hộ khẩu.

Công ty tài chính giảm cho vay tiền mặt

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 43 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, lộ trình giảm tỉ lệ cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ của công ty tài chính sẽ giảm dần từ 70% xuống 30% trong 4 năm, từ 2021 đến 2024.

Hiện có những công ty tài chính có tỉ lệ cho vay tiền mặt chiếm đến 76% dư nợ, phần còn lại là cho vay mua xe máy, cho vay điện máy và cho vay thẻ tín dụng. Do vậy, quy định này sẽ tác động đáng kể đến những công ty tài chính có tỉ lệ cho vay tiền mặt lớn.

Thông tư cũng quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng không có nợ xấu.

ÁNH HỒNG
TTO