24/11/2024

Trung Quốc phê chuẩn RCEP, Mỹ, Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng?

Trung Quốc phê chuẩn RCEP, Mỹ, Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng?

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thông báo chính phủ nước này đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Mỹ có thể quay lại TPP?

 

Trung Quốc phê chuẩn RCEP, Mỹ, Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nặng? - Ảnh 1.

Nhà máy thép ở Trùng Khánh, Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Ngày 8-3, theo Tân Hoa xã, phát biểu với các phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 4 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Vương Văn Đào (Wang Wentao) cho hay một số nước thành viên cũng đang thúc đẩy các thủ tục để phê chuẩn RCEP, đồng thời hi vọng các nước liên quan có thể đẩy nhanh tiến độ và cuối cùng đạt đủ điều kiện để thỏa thuận này có hiệu lực.

Ông Vương nhấn mạnh rằng RCEP sẽ có hiệu lực khi có ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định. Theo ông, việc hiệp định này có hiệu lực càng sớm sẽ tạo điều kiện để người dân của các nước tham gia càng sớm được hưởng lợi.

RCEP được khởi động vào năm 2012 theo sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác ban đầu là Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Tuy nhiên đến tháng 11-2019, việc Ấn Độ tạm đứng ngoài hiệp định đã làm giảm số lượng các quốc gia đàm phán RCEP từ 16 còn 15 quốc gia. Mặc dù vậy, RCEP vẫn là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỉ USD, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP ước tính sẽ đạt 137 tỉ USD.

Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng đó cho doanh nghiệp. RCEP sẽ giúp loại bỏ 91% thuế hàng hóa và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

Hôm 4-3, Viện Nghiên cứu Ifo của Đức đã nêu cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nên tăng cường mối quan hệ thương mại với các nền kinh tế châu Á để không bị chậm chân.

Hai nhà nghiên cứu của Ifo là Feodora Teti và Hannah-Maria Hildenbrand dẫn chứng: ““EU nên tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác châu Á. Trong khi EU đã ký kết các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore thì các cuộc đàm phán với Úc và New Zealand, cùng với 10 nước ASEAN đang tiến triển chậm chạp”.

Theo Ifo, Mỹ và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vị trí thống trị hiện tại của Trung Quốc trong khu vực.

“Do các nước tham gia RCEP chiếm 25% xuất khẩu và 37% nhập khẩu của Mỹ, chúng tôi cho rằng Ấn Độ và Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự chuyển hướng thương mại”, hai nhà nghiên cứu của Ifo nói thêm.

Nhưng họ cũng cho rằng Mỹ có thể “hồi sinh” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) – đã đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn đã bị ông Trump rút ra – nhờ đường lối khác của tân Tổng thống Joe Biden.

Tất cả đều đã lên khuôn sẵn, giờ chỉ chờ ông Biden ra quyết định mới đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm.

TÚ ANH
TTO