EU ‘gây khó’ với vắc xin Covid-19 của Nga?
EU ‘gây khó’ với vắc xin Covid-19 của Nga?
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nước thành viên EU từ chối phê chuẩn vắc xin Sputnik V của Nga trong lúc EMA xem xét tính an toàn và hiệu quả của vắc xin này.
“Chúng tôi cần các tài liệu để có thể xem xét. Hiện tại, chúng tôi cũng không có dữ liệu… về những người được tiêm chủng vắc xin Sputnik V. Đó là lý do tại sao chúng tôi khẩn cấp khuyến cáo các quốc gia thành viên EU không nên cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất”, bà Christa Wirthumer-Hoche, giám đốc EMA, trả lời phỏng vấn đài truyền hình ORF (Áo) ngày 7.3.
“Chúng ta có thể có Sputnik V trên thị trường ở châu Âu trong tương lai một khi EMA hoàn tất đánh giá dữ liệu phù hợp về độ an toàn và hiệu quả theo tiêu chuẩn EU. Quá trình đánh giá luân phiên đã bắt đầu tại EMA từ hồi tuần rồi”, bà Wirthumer-Hoche lưu ý.
Trong khi đó, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại thủ đô Moscow hôm 5.2, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell lại nói: “Vắc xin Sputnik V của Nga là tin tốt lành cho toàn nhân loại vì điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ có thêm công cụ để chống lại đại dịch Covid-19“.
Đến nay, 3 quốc gia thành viên EU là Hungary, Slovakia và CH Czech đã phê chuẩn hoặc đang đánh giá để phê duyệt Sputnik V, theo Reuters.
Vào ngày 6.3, Thủ tướng Slovakia, ông Igor Matovic đã bác bỏ khả năng trả lại hàng triệu liều Sputnik V cho Nga, đồng thời khẳng định vắc xin Nga là hiệu quả, bất kể sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ.
Trước đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đả kích ông Matovic vì ông không chờ cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt Sputnik V. Ngoại trưởng Ivan Korcok và hai phó thủ tướng Slovakia đồng thời chỉ trích việc Thủ tướng Matovic phê chuẩn vắc xin Nga là một sai lầm.
Slovakia và Hungary đã phải tự đặt hàng mua Sputnik V trong bối cảnh thiếu hụt vắc xin Covid-19 của hãng Pfizer, Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) vốn đã được EU phê chuẩn.
Vào ngày 7.3, Áo tuyên bố đình chỉ chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 của hãng AstraZeneca như một biện pháp đề phòng trong lúc điều tra nguyên nhân một người tử vong và một người khác bị thuyên tắc phổi sau khi tiêm chủng. Hai người này đều là điều dưỡng làm việc trong một bệnh viện ở thị trấn Zwettl, bang Lower Austria
Trước đó, Nga đã công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin Sputnik V có hiệu quả 91% và vẫn đang chờ được cơ quan quản lý dược phẩm EU phê chuẩn.
PHÚC DUY
TNO