26/12/2024

Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày?

Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày?

Trước tết, Bộ Công thương đã có văn bản hỏa tốc cảnh báo về nguy cơ sập hệ thống điện quốc gia bởi thừa điện từ năng lượng tái tạo, trong đó chiếm chủ yếu là điện mặt trời (ĐMT).

 

Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày? - Ảnh 1.

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Long An – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, đã có một cuộc chạy đua chóng mặt để lắp đặt ĐMT cộng với sức ép lớn từ nhà đầu tư để đấu nối ĐMT lên lưới điện quốc gia kịp hưởng ưu đãi. Tuy nhiên, cả hệ thống điện quốc gia lại không có một MW nào lưu trữ ĐMT.

Tắt nắng, vắng điện

Điều này có nghĩa nếu không có nắng, hàng chục nghìn MW điện sạch này sẽ trở nên vô dụng, đẩy hệ thống lưới điện quốc gia đối diện nguy cơ sập nguồn. Nói một cách dễ hiểu, nếu đang sử dụng 10 kW điện, trong đó có 3 kW ĐMT nhưng khi tắt nắng, cả 3 kW này “rớt”, hệ thống điện sẽ sập vì không đủ nguồn cung cấp. Thực tế, việc vận hành các nhà máy ĐMT cũng đã bộc lộ những nhược điểm này.

Ông Trương Vĩnh Thành – phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai – cho biết DN này đã vận hành thương mại hai dự án ĐMT tại An Giang và Long An với tổng công suất 260 MW. Theo ông Thành, do đặc tính của nguồn điện này là phát điện dựa vào bức xạ mặt trời nên khi đang phát điện lên lưới tốt nhưng có đám mây đi qua thì nguồn điện này cũng nhanh chóng sụt giảm công suất. Do đó, ông Thành cho rằng trong tương lai phải có giải pháp để cân đối giữa các nguồn điện ổn định và nguồn bất ổn định.

Điện truyền thống kèm điện mặt trời

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do phụ thuộc vào nắng nên ĐMT đã bộc lộ những khó khăn, bất cập trong vận hành hệ thống điện. Trong đó, vào giờ cao điểm tối (khoảng từ 17h30-18h30) lúc nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất trong ngày, hệ thống điện cần công suất phát điện khá lớn nhưng lúc này ĐMT lại “đi nghỉ” vì không có nắng! Vì vậy, để đảm bảo cung cấp điện, hệ thống điện luôn phải duy trì một số tổ máy phát điện truyền thống.

Vì sao điện mặt trời tăng nhanh?

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) rót vốn đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành quyết định số 11 và nối gót là quyết định số 13 với mức giá mua ĐMT cao nhất là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.086 đồng/kWh) trong 20 năm theo cơ chế giá cố định (giá FIT).

Giá mua điện tại quyết định 13 có giảm, song so với giá thiết bị xuống thấp, khả năng thu hồi vốn nhanh và tạo ra lợi nhuận trong thời gian dài khi bán điện cho EVN nên hàng loạt nhà đầu tư đã đổ tiền làm ĐMT, khiến ngành này có một thời gian bùng nổ trước khi chuyển sang cơ chế phải đấu thầu.

Không chỉ đầu tư các dự án trang trại ĐMT (solar farm) quy mô hàng chục MW, nhiều nhà đầu tư cũng xây dựng các trang trại nông nghiệp kết hợp lắp ĐMT trên mái nhà để hưởng giá bán điện ưu đãi 8,38 cent/kWh (tương đương 1.943 đồng/kWh) dẫn đến công suất lắp đặt của ĐMT tăng nhanh.

Tuy nhiên, giống như trang trại ĐMT, các dự án ĐMT nông nghiệp hiện nay cũng đẩy lên lưới 100% công suất để nhận tiền bán điện. Rất ít dự án có sử dụng cho công trình bên dưới, đáp ứng nhu cầu chủ động nguồn điện tại chỗ như điện áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp.

Doanh nghiệp tính đầu tư, chờ cơ chế

Điện tái tạo: sắm trâu lơ sắm cày? - Ảnh 2.

Tại một dự án điện mặt trời ở tỉnh Tây Ninh – Ảnh: TỰ TRUNG

Đã vận hành hàng loạt dự án nguồn điện với tổng công suất lên đến hơn 1.000 MW, Tập đoàn Trung Nam cho biết đang đeo đuổi công nghệ và giải pháp lưu trữ năng lượng (Energy Storage System – ESS).

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tâm Tiến – chủ tịch Tập đoàn Trung Nam – cho biết hiện nay trên thế giới đã đầu tư công nghệ lưu trữ điện vào các pin. Công nghệ đã phát triển, song suất đầu tư còn lớn, tầm 800.000 – 1 triệu USD/MW, chưa kể các chi phí hạ tầng. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là hiện chưa có cơ chế về giá và đầu tư.

“Các trung tâm năng lượng và nhiều tài nguyên nắng, gió như Ninh Thuận, Bình Thuận nên xây dựng các trung tâm tích trữ điện ESS này với quy mô từ 1.000 – 2.000 MW để tham gia vào điều hòa lưới điện và tích trữ điện khi dư nguồn phát nhất thời” – ông Tiến nói.

Để khuyến khích đầu tư hệ thống ESS, ông Tiến cho rằng cần xây dựng chính sách và cơ chế đầu tư, hay kêu gọi đầu tư ngay tại các nhà máy năng lượng tái tạo đang có để tạo thành chuỗi công suất tích trữ.

“Theo tôi, Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư đang có nhà máy năng lượng tái tạo đầu tư tại trạm điện của nhà máy với công suất khoảng 20-30% công suất đang phát để tạo thành tổng công suất tích trữ” – ông Tiến nói và cho biết thêm hợp đồng mua bán điện cũng phải đảm bảo tiêu thụ khi mua và bán điện tích trữ.

Ông Trương Vĩnh Thành, phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai, cũng cho biết xu hướng phải đầu tư hệ thống ESS. “Nhưng giá đầu tư hệ thống tích trữ còn cao, nếu muốn đầu tư phải có chính sách về giá mua từ hệ thống tích trữ, giá mua phải cao hơn” – ông Thành nói.

Theo ông Thành, hiện cơ cấu nguồn từ năng lượng truyền thống chiếm 80% nên vẫn điều tiết được. Do đó, thay vì đầu tư ESS thời điểm này, cần đầu tư nhiều hơn cho điện gió bởi đây là nguồn có độ ổn định cao hơn.

Trong khi đó, đại diện một nhà máy điện mặt trời công suất lớn ở miền Trung cho rằng trước tiên Nhà nước cần phải xây dựng chính sách, ước lượng về giá để các nhà đầu tư cân nhắc đầu tư cũng như hiệu quả về mặt tài chính.

Trước thực tế điện mặt trời bị giảm huy động, nhiều doanh nghiệp đã tính đến đầu tư hệ thống tích trữ. Nhưng để đi đến quyết định đầu tư vẫn chờ cơ chế giá.

Ông Lê Anh Tùng (chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại và đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam):

Giá lưu trữ đã giảm, công nghệ tốt hơn

 

lê anh tùng

Ông Lê Anh Tùng

Trước đây trong dự thảo chính sách về khuyến khích phát triển điện mặt trời từng yêu cầu nhà đầu tư phải có 20% lưu trữ công suất lắp đặt, thời gian lưu trữ từ 2 tiếng trở lên. Bởi điện mặt trời khi đám mây hay cơn mưa tới là làm sụt giảm rất mạnh công suất. Nhưng có thể thời điểm đó chi phí cao, khó khuyến khích đầu tư, nên không đưa ra yêu cầu này.

Nhưng mới đây Công ty Blueleaf thuộc Tập đoàn Macquarie (Úc) đã giới thiệu và cam kết mức giá của dự án điện mặt trời đã bao gồm hệ thống lưu trữ sẽ không cao hơn mức giá cố định không có lưu trữ (tức mức giá không cao hơn theo quyết định 13/2020, bao gồm: giá mua điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh, điện mặt trời mái nhà khoảng 1.943 đồng/kWh). Tổng mức đầu tư giảm, hiệu suất nhà máy điện mặt trời cũng cao hơn rất nhiều, số giờ phát cao hơn.

Tuy nhiên, sau này cần ưu tiên cho dự án có hệ thống có lưu trữ và nếu tham gia đấu thầu thì xem đây là một trong những tiêu chí ưu tiên khi lựa chọn nhà đầu tư. Vì ngành điện sẽ giảm khả năng phải huy động nguồn đắt đỏ.

N.AN

NGỌC HIỂN
TTO