26/12/2024

Liên tiếp đột kích các ‘lò’ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, tại sao lại từ tin báo người dân?

Liên tiếp đột kích các ‘lò’ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, tại sao lại từ tin báo người dân?

Một cơ sở chỉ giới hạn dịch vụ thẩm mỹ phun, xăm nhưng đã tự “nâng cấp” để lấn sân sang phẫu thuật thẩm mỹ không phép, Sở Y tế TP.HCM kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Liên tiếp đột kích các lò phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, tại sao lại từ tin báo người dân? - Ảnh 1.

Tầng 3 của cơ sở “View Plastic Surgery” tại địa chỉ 228 đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1) là “phòng tiểu phẫu” có trang bị đèn phẫu thuật, giường phẫu thuật, tủ thuốc cấp cứu… – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM cung cấp

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã đề nghị cơ sở “View Plastic Surgery” tại địa chỉ 228 đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1) ngưng ngay việc thực hiện các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có hồ sơ pháp lý theo quy định.

Đồng thời, niêm phong và tạm giữ các tang vật như thuốc, trang thiết bị y tế để làm căn cứ xử lý.

Từ “tai mắt” của người dân

Liên tiếp đột kích các lò phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, tại sao lại từ tin báo người dân? - Ảnh 2.

Một phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc hoạt động trái phép trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường 2, quận 5) – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

 

Trước đó, ngày 5-3, từ thông tin của Phòng quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp các đơn vị kiểm tra đột xuất cơ sở “View Plastic Surgery” tại địa chỉ 228 đường Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1).

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận cơ sở có treo biển hiệu “View Plastic Surgery” với những câu bằng tiếng Hàn. Lúc này cơ sở đang mở cửa hoạt động, có một vị khách đang ngồi chờ.

Đại diện cơ sở, bà Ngô Thị Thúy Nhàn có xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh do UBND quận 1 cấp, nhưng không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo quy định.

Cơ sở này được chia làm bốn khu vực, bao gồm: tiếp tân, “phòng hậu phẫu – hồi sức”, “phòng phun xăm thẩm mỹ”, “phòng tiểu phẫu”. Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở có bảng giá dịch vụ niêm yết, tờ khai thông tin trước phẫu thuật.

Ngoài ra còn phát hiện một túi nilông đựng rác thải y tế (kim tiêm, gạc y tế dính máu, găng tay, dây dịch truyền, chai dịch truyền… đã qua sử dụng).

“Đây là một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phun, xăm nhưng chúng tôi có đủ bằng chứng cho thấy cơ sở này đã triển khai phẫu thuật thẩm mỹ không phép, và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – đại diện Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nói.

Liên tiếp đột kích các lò phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, tại sao lại từ tin báo người dân? - Ảnh 3.

Dưới nhà là “Cà phê Nhã”, trên lầu là phòng phẫu thuật thẩm mỹ trá hình – Ảnh: Sở Y tế TP.HCM

Tại sao lại từ tin báo người dân?

Như vậy từ phản ảnh của dư luận, chỉ trong vòng bốn ngày Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phối hợp với lực lượng công an “đột kích” bốn địa điểm thực hiện dịch vụ thẩm mỹ về y tế trái phép.

Ngoài cơ sở nêu trên, đơn vị bắt quả tang một phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc hoạt động trái phép trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường 2, quận 5); cơ sở thẩm mỹ ‘bỏ quên’ gạc trong ngực bệnh nhân tại cư xá Phú Lâm D (phường 10, quận 6) và cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không phép “Comeback Beauty” (đường Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5).

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 6-3 về vấn đề tại sao các sự việc được phát hiện gần đây lại từ tin báo người dân mà không từ việc giám sát của cơ quan quản lý? Có hay không sự thiếu chủ động?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho biết hiện nay đơn vị chủ động đi kiểm tra đối với các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận.

Còn đối với một số cơ sở tự động “lấn sân” sang thẩm mỹ trái quy định chỉ có “tai mắt” của người dân mới có thể phát hiện được.

Và để phát hiện sớm các cơ sở này, Sở Y tế TP.HCM đã chủ động tạo nhiều kênh để tiếp nhận thông tin chủ động như “y tế trực tuyến”, các số điện thoại đường dây nóng và qua thông tin dư luận xã hội.

Đây là các kênh, theo bà Mai là “cực kỳ nhanh” trong xử lý và phản hồi, từ đó răn đe các ý đồ sai phạm.

“Nếu thông tin đã lọt vào hệ thống này rồi thì chỉ trong vòng một ngày các sự việc đơn giản sẽ được xử lý, hai ngày xử lý các sự việc cần có sự phối hợp các đơn vị và không quá 72 giờ nếu có tính chất yếu tố nước ngoài. Và cuối cùng là có sự thông tin ngược trở lại cho người phản ảnh, trên cổng thông tin điện tử”, bà Mai khẳng định.

Ngoài ra theo bà Mai, đơn vị còn có văn bản tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo hết 24 quận, huyện là với các cơ sở hoạt động không cần phải cấp giấy phép về chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương sẽ là người quản lý, chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép, trái phép, tai biến… “Tinh thần sắp tới là chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, triệt để và nhanh chóng”, bà Mai khẳng định.

3 số điện thoại phản ảnh “cực kỳ nhanh”

Ngoài ứng dụng “Y tế trực tuyến”, người dân có thể gọi điện thoại qua các số 0967.771.010 (đường dây nóng Sở Y tế), 0283.9309.672 (số điện thoại bàn của Thanh tra Sở Y tế), 0963.926.974 (số điện thoại di động của Thanh tra Sở Y tế) để báo tin những cơ sở nghi ngờ có biểu hiện vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh.

Khi tiếp nhận, Sở Y tế TP.HCM sẽ kích hoạt quy trình phản ứng nhanh ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở trá hình trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

HOÀNG LỘC
TTO