Đổ rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán
Đổ rủi ro cho nhà đầu tư chứng khoán
Sau kế hoạch nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cũng bày tỏ đang nghiên cứu giải pháp không cho sửa, hủy lệnh giao dịch.
“Đá bóng” cho nhà đầu tư
Hôm qua 5.3, tình trạng nghẽn lệnh của sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) diễn ra ngay trong đầu giờ giao dịch buổi sáng thay vì buổi chiều như nhiều phiên trước đây.
Báo cáo từ HOSE cho thấy trong tháng 2, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán trên sàn đạt hơn 8,3 tỉ đơn vị với tổng giá trị giao dịch hơn 208.290 tỉ đồng. Thanh khoản thị trường giảm so với tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt gần 13.880 tỉ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 554 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giảm 17,34% về giá trị và 25% về khối lượng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản thị trường tháng 2 ghi nhận sự tăng trưởng cao với khối lượng giao dịch bình quân phiên tăng 129,4% và giá trị giao dịch bình quân phiên tăng hơn 204%. Với mức thu phí 0,03%/giá trị giao dịch, ước tính mỗi ngày trong tháng 2, HOSE thu về được hơn 4,16 tỉ đồng.
Cụ thể bảng giá điện tử trên sàn HOSE liên tục “đứng hình”, sau một vài phút mới “nhảy” một lần. Mỗi lần như vậy, chỉ số VN-Index lại thay đổi với biên độ khá lớn. Nhà đầu tư (NĐT) không thể biết chính xác giá khớp lệnh của các cổ phiếu (CP) là bao nhiêu… Việc nghẽn lệnh kéo dài và ngày càng nghiêm trọng cùng với những giải pháp đề xuất của HOSE khiến nhiều NĐT càng bức xúc.
Thậm chí trên diễn đàn F319 (nơi thu hút hơn 12.000 nhà đầu tư theo dõi), một số NĐT đã bày tỏ ý muốn cùng kéo lên trụ sở của HOSE (Q.1, TP.HCM) để yêu cầu lãnh đạo HOSE phải trả lời những thắc mắc của NĐT xoay quanh câu chuyện nghẽn lệnh, gây thiệt hại cho hàng triệu NĐT. Trong khi đó, sau kế hoạch nâng lô giao dịch tối thiểu từ 100 cổ phiếu (CP) lên 1.000 CP và đã gặp nhiều ý kiến phản đối từ NĐT và chuyên gia, HOSE cũng bày tỏ có thể xem xét giải pháp không cho sửa, hủy lệnh giao dịch.
Theo ước tính của HOSE, nếu ngưng cho phép việc đặt lệnh hủy, sửa thì thanh khoản của sàn này sẽ được cải thiện khoảng 30% so với hiện nay. Giải pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật. HOSE cũng đánh giá giải pháp này tác động nhất định đến hành vi của NĐT. Những NĐT bình thường sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đặt lệnh mua, bán. Các loại lệnh do robot, áp dụng thuật toán sẽ khó thực hiện hơn do độ rủi ro cao. Đồng thời tình trạng chẻ lệnh, rải lệnh sẽ có khả năng giảm bớt.
Dù đây chỉ là đề xuất, nhưng theo nhiều NĐT trên thị trường, giải pháp không cho sửa, hủy lệnh giao dịch sẽ gây rắc rối, bất lợi trong quá trình giao dịch của họ vì không thể phản ứng kịp trước những biến động bất ngờ của thị trường.
Anh Trung, một NĐT tại TP.HCM, bức xúc cho rằng HOSE chỉ toàn “nhăm nhăm” đến giải pháp hạn chế giao dịch của NĐT mà lại không đưa ra thông tin rõ ràng về lộ trình chỉnh sửa, nâng cấp hệ thống giao dịch hiện tại hay khi nào mới đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động. Hiện nay, trong hai phiên khớp lệnh định kỳ mở cửa và đóng cửa hằng ngày trên HOSE, NĐT cũng không được phép hủy hay sửa lệnh mà chỉ được phép hủy và sửa trong phiên giao dịch liên tục.
“Nếu không được phép hủy, sửa lệnh thì NĐT có nguy cơ rủi ro sẽ tăng lên rất cao. Thông thường nếu đặt bán giá thấp nhưng khi giao dịch thị trường có xu hướng tăng thì NĐT sẽ sửa lệnh bán giá cao hơn. Ngược lại khi đặt mua giá cao nhưng nếu xu hướng thị trường đi xuống thì mình phải sửa lệnh, mua giá thấp hơn. Vì hai phiên khớp lệnh định kỳ không được hủy, sửa lệnh nên nhiều NĐT nhỏ như tôi cũng ít giao dịch hơn trong phiên khớp lệnh liên tục để hạn chế rủi ro”, anh Trung chia sẻ thêm.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng giải pháp không cho hủy, sửa lệnh của HOSE là “đá bóng” cho NĐT. Cơ hội lựa chọn CP ít đi nhưng rủi ro lại gia tăng. Điều này khiến các NĐT phải thận trọng hơn rất nhiều khi giao dịch trên thị trường vì đã đặt lệnh là kiểu như “bút sa gà chết”, không thể thay đổi được. Bên cạnh đó, trường hợp ghi nhầm lệnh từ mã CP này sang mã CP khác cũng thường xuyên diễn ra và việc cấm sửa/hủy lệnh sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho NĐT.
Đó là chưa kể dù trên lý thuyết theo ước tính của HOSE sẽ giảm được số lệnh nhưng cũng không đảm bảo tình trạng “đơ” của sàn này sẽ chấm dứt. Vì theo công bố của HOSE, hệ thống này tối đa có thể tiếp nhận được 900.000 lệnh nhưng có nhiều phiên, số lệnh chỉ mới khoảng 2/3 hay như sáng 5.3 thì lệnh chưa bao nhiêu cũng đã bị đơ. Như vậy có thể việc nghẽn lệnh hoàn toàn không nằm hết chỗ năng lực xử lý của hệ thống mà còn có thể những vấn đề khác nữa.
Cần minh bạch hơn
Tình trạng nghẽn lệnh của HOSE đã diễn ra hầu như hằng ngày từ cuối năm 2020 đến nay. HOSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 CP lên 100 CP từ đầu tháng 1, nhưng sau đó tình trạng nghẽn lệnh vẫn chưa được khắc phục mà có vẻ ngày càng nặng hơn. Còn giải pháp chuyển một số CP từ sàn HOSE sang giao dịch trên HNX thì phải có thời gian vì theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), doanh nghiệp phải lấy ý kiến của cổ đông…
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế, nhận định những giải pháp trên đều là tạm thời và chỉ là phần ngọn, nên sẽ khó giải quyết được vấn đề của HOSE hiện nay. HOSE cần tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động là giải pháp tối ưu nhất. Song song đó, HOSE nói riêng và hai sở giao dịch chứng khoán nói chung cần xem xét việc loại bỏ khỏi sàn những CP của các doanh nghiệp yếu kém, vi phạm nhiều lần về công bố thông tin, công bố Báo cáo tài chính để nâng cao chất lượng thị trường. Thị trường chứng khoán là nơi không cần chạy theo số lượng CP niêm yết hay vốn hóa thị trường, quan trọng hơn là phải nâng cao chất lượng, tạo niềm tin cho NĐT.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), nhận xét mấy tháng qua việc nghẽn lệnh trên HOSE đã diễn ra thường xuyên, nhưng hầu như chưa thấy cơ quan này có thông tin chính thức về tình trạng này.
Ông Hải đặt vấn đề: Vì sao bị nghẽn lệnh? Giải pháp mà HOSE đang thực hiện là gì và trong tương lai sẽ làm gì? Liệu có đàm phán mời phía Thái Lan – đối tác cung cấp hệ thống giao dịch hiện tại – tham gia hỗ trợ để đưa ra giải pháp nâng cấp hay chưa? Hệ thống mới đã được triển khai đến đâu và dự kiến khi nào thực hiện?
“Tôi có đọc trên một số báo thì thấy ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch HĐQT HOSE, nói rằng hệ thống đang giao dịch của HOSE có thể mở rộng để tiếp nhận số lệnh giao dịch lên gấp đôi hiện nay. Nếu làm được thì hệ thống có thể tiếp nhận lên đến 1,8 triệu lệnh. Vậy HOSE đã mời chuyên gia để thực hiện chưa? Hay không thể làm được? Nói chung là những NĐT như chúng tôi chỉ thỉnh thoảng đọc được một số thông tin rải rác về câu chuyện này và giải pháp chống nghẽn lệnh dù tình trạng này diễn ra thường xuyên mà không thấy thông tin chính thức nào công bố từ HOSE. Đáng lẽ với tinh thần cầu thị, lãnh đạo HOSE phải xin lỗi NĐT và công khai, minh bạch tất cả vấn đề nêu trên. Có thể với những lý do khó khăn nào đó mà kéo dài việc khắc phục hay đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động thì NĐT cũng sẽ chấp nhận thay vì cứ im lặng như hiện nay. VAFI cũng đề nghị Thứ trưởng Bộ Tài chính đang phụ trách lĩnh vực chứng khoán phải lên tiếng về những điều đó để giải tỏa bức xúc NĐT và thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Chính phủ, trước NĐT”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói thêm.
MAI PHƯƠNG
TNO