25/12/2024

Khiếu nại gần 20 “shop” bán hàng giả nhái trên Shopee, Shopee khóa luôn hàng thật

Khiếu nại gần 20 “shop” bán hàng giả nhái trên Shopee, Shopee khóa luôn hàng thật

Không chỉ những đôi giày, túi xách hàng hiệu có giá vài trăm nghìn đồng mà ngay những sản phẩm thông thường cũng bị làm nhái, giả và được bán công khai trên sàn thương mại điện tử, chợ mạng.

 

Khiếu nại gần 20 shop bán hàng giả nhái trên Shopee, Shopee khóa luôn hàng thật - Ảnh 1.

Hàng giả được rao bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử đang ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng với hình thức mua sắm này – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, tình trạng chào bán hàng giả, hàng nhập lậu trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội có xu hướng gia tăng. Người dùng mua hàng bị “qua mặt” trong khi những nhà sản xuất chân chính cũng chật vật đấu tranh, bảo vệ hàng do mình sản xuất trên sàn TMĐT.

Hàng giả “đánh bật” hàng thật

Chị Dư Thị Vân Anh, giám đốc kinh doanh Công ty Idocean, TP.HCM, chuyên về cung ứng nguyên liệu trà sữa các loại, cho biết cùng với sự phát triển của TMĐT trong hai năm qua, doanh nghiệp (DN) này phải vất vả chống chọi với hàng giả, hàng nhái trên kênh bán hàng này.

Đó là một hành trình mà lúc bắt đầu DN này tưởng chừng rất đơn giản nhưng thực tế diễn ra lại vô vàn khó khăn để bảo vệ những sản phẩm mà DN đã đầu tư chất xám, nhà máy phục vụ sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Năm 2019 khi bắt đầu đưa hàng lên bán trên các sàn TMĐT, DN này mới phát hiện một trong những sản phẩm bán chạy, được ưa thích của đơn vị là trà đen “Hoa Trân số 9” đã bị làm giả và được những cá nhân khác công khai bán trên những shop online của sàn TMĐT Shopee.

“Chỉ làm một động tác tìm kiếm, chúng tôi tìm được gần 20 người đăng bán các sản phẩm nhái, giả của chúng tôi. Lập tức chúng tôi có làm phản ánh, báo cáo gửi đến Shopee để nhờ giải quyết. Chúng tôi đã hai lần gửi hồ sơ khiếu nại việc vi phạm nhãn hiệu Hoa Trân của các nhà bán hàng trên Shopee. Và phản ứng của Shopee là khóa tất cả sản phẩm rao bán có từ “Hoa Trân số 9″, kể cả sản phẩm chính hãng”, chị Vân Anh kể.

Thế nhưng, không lâu sau đó các sản phẩm bị nhái, giả lại được tiếp tục rao bán, tái vi phạm. Lần này đại diện Idocean yêu cầu được gặp lãnh đạo của Shopee để giải quyết dứt điểm. Bởi một loạt sản phẩm của họ có nguy cơ bị cạnh tranh không lành mạnh với những chủ gian hàng bán hàng nhái, hàng giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Tại buổi làm việc, DN này đã đưa các bằng chứng cho thấy đang bị xâm phạm sở hữu trí tuệ nhãn hàng hóa. Dù vậy, sau hai năm, hàng ngàn sản phẩm nhái, giả sản phẩm trà đen vẫn được rao bán và tiêu thụ trên Shopee. Thậm chí, gian hàng bán hàng nhái còn được gắn tag “Shop yêu thích” cho dù theo quy định, gian hàng bị tố vi phạm sẽ không có danh hiệu này.

“Chúng tôi chỉ mong Shopee có các biện pháp xử lý triệt để các gian hàng tái đăng tải mặt hàng nhái để DN làm ăn chân chính có thể cạnh tranh lành mạnh. Sàn có thể có hàng trăm ngàn mặt hàng nhưng với DN nhỏ như chúng tôi, mỗi sản phẩm là một tài sản đã được đầu tư tâm huyết, công sức. Trong khi chúng tôi nhận thức vai trò quan trọng của công tác R&D, những DN như Shopee lại phớt lờ”, đại diện Công ty Idocean nói.

Trong khi chật vật đấu tranh với hàng giả, việc đưa hàng vào shop chính hãng của DN này lại khá khó khăn. Đăng ký trở thành Shopee Mall, nơi đặc biệt trên Shopee dành cho người bán có quyền cung cấp/phân phối chính thức sản phẩm của các nhãn hiệu uy tín đến nay vẫn không được phê duyệt.

Khiếu nại gần 20 shop bán hàng giả nhái trên Shopee, Shopee khóa luôn hàng thật - Ảnh 2.

Sản phẩm vi phạm thương hiệu mà Công ty Idocean đã gửi đến Shopee đề nghị gỡ bỏ trong các bài quảng cáo – Ảnh: N.B.

Có kiểm soát nhưng không xuể?

Trước đó, theo báo cáo của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), Shopee nằm trong số các sàn TMĐT bị cáo buộc bán hàng giả với “mức độ rất cao”. Những DN từng đưa hàng lên bán trên trang này cho biết họ không bất ngờ bởi thông tin này. Vì thời gian qua, không ít DN chật vật đấu tranh, bảo vệ hàng do mình sản xuất trên sàn TMĐT này.

Trong khi đó, phản hồi với các khiếu nại của DN trên, phía Shopee thừa nhận đang kiểm soát, chặn các sản phẩm nhãn hiệu “Hoa Trân” bằng từ khóa, kiểm tra các sản phẩm này cung cấp chứng từ hợp lệ mới được đăng bán. Nhưng do lượng đăng bán khá lớn, không thể tránh khỏi sai sót.

Với lý do hệ thống sẽ không thể kiểm soát được hết nếu như người bán cố tình vi phạm mà không qua kiểm duyệt của bộ phận kiểm duyệt, Shopee cho rằng cần sự hỗ trợ từ phía DN để có thể rà soát chặt chẽ hơn. Trường hợp phía DN phát hiện các shop vi phạm, vui lòng tổng hợp link sản phẩm vi phạm và gửi đến email để Shopee kịp thời xử lý.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 3-3, các gian hàng mà Công ty Idocean phản ánh là bán hàng nhái, hàng giả vẫn đăng bán sản phẩm trà đen “Hoa Trân số 9” bình thường, thậm chí thông tin dưới sản phẩm cho thấy đã có cả ngàn gói được bán ra.

Không chỉ mặt hàng nguyên liệu trà sữa, nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng dễ dàng tìm thấy trên sàn TMĐT và được bán với giá rẻ không tưởng. Chẳng hạn, khi tìm kiếm mua giày thể thao của hãng A, chúng tôi tìm được các gian hàng rao bán giá đôi giày chưa đến 200.000 đồng trong khi hàng chính hãng giá lên đến vài triệu đồng; hay hộp phấn hãng C, giá được niêm yết 1,4 triệu đồng nhưng lại được rao bán trên sàn S. chỉ 280.000 đồng/hộp.

Trong thực tế, nhiều sàn TMĐT cũng có các chính sách bảo vệ thương hiệu người bán. Tuy nhiên, việc thực thi, kiểm soát lại tùy thuộc rất nhiều năng lực quản lý và cả thiện chí của chủ sàn. “Việc đưa ra các quy chuẩn nghiêm ngặt đòi hỏi nguồn gốc hàng hóa rõ ràng, chứng từ hợp lệ đối với nhà bán hàng… sẽ giúp nhà bán hàng yên tâm phát triển nhãn hàng trên sàn”, giám đốc kinh doanh một sàn TMĐT chia sẻ.

Thời gian qua, để tăng trưởng số lượng khách hàng nhanh chóng, các sàn TMĐT đầu tư khá nhiều vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đó không phải là cách phát triển bền vững về dài hạn nếu DN không xây dựng được niềm tin với người mua hàng. “Trải nghiệm khách hàng cũng chính là thước đo mức độ hiệu quả của chi phí đầu tư”, một chuyên gia nói.

Sẽ tăng trách nhiệm của sàn TMĐT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết kết quả kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường cho thấy Shopee tại VN (Shopee.vn) có cơ chế xử lý các yêu cầu khiếu nại về quyền sở hữu trí tuệ, có quy trình và biện pháp kiểm soát sản phẩm đăng bán và người bán.

Tuy nhiên, theo ông Minh, việc đấu tranh chống hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đang gặp khó do sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, đặc biệt giữa địa phương và đơn vị quản lý chợ. Trong khi đó, đối tượng kinh doanh hàng nhái, hàng giả dùng nhiều thủ đoạn tinh vi như phân tán nhỏ hàng hóa, cất giấu địa điểm khác, bán xen lẫn hàng hợp pháp. Chưa hết, người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng hiệu giá rẻ.

Riêng với các chợ trực tuyến, đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, phân tán hàng hóa nhiều nơi, tìm cách lách qua các bộ lọc kỹ thuật như thay đổi tên sản phẩm để tránh kiểm soát, việc thiết lập tên miền dễ dàng… khiến việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn.

Để đấu tranh hiệu quả hơn, ông Minh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng, với trách nhiệm của các cơ quan liên quan như địa phương, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, người kinh doanh, gắn tuyên truyền phổ biến pháp luật. Bộ Công thương cũng đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định số 52/2013/NĐ-CP sẽ có những quy định nhằm minh bạch hóa thông tin trên các website, sàn giao dịch TMĐT và các trang mạng xã hội khác, tăng trách nhiệm các chủ sàn.

N.AN

NHƯ BÌNH
TTO