Đòn trừng phạt của Trung Quốc ‘thất thủ’ trước Đài Loan
Đòn trừng phạt của Trung Quốc ‘thất thủ’ trước Đài Loan
Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan nhằm gia tăng sức ép kinh tế với chính quyền Đài Bắc, nhưng biện pháp trừng phạt này đã nhanh chóng bị hoá giải.
Gần đây, quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan không chỉ căng thẳng về quân sự mà còn về kinh tế. Ngày 26.2, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu dứa từ Đài Loan với lý do phát hiện một số vấn đề trong quá trình kiểm dịch. Quyết định của Trung Quốc không chỉ bị Đài Loan phản đối mà nhiều nước như Mỹ, Canada chỉ trích.
Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, Đài Bắc gần như “vô hiệu hóa” lệnh trừng phạt này khi chỉ mất 4 ngày để “giải cứu” khối lượng dứa ngang bằng khối lượng dứa xuất khẩu đến Trung Quốc đại lục trong một năm.
Ước tính, năm 2020, Đài Loan xuất khẩu 41.661 tấn dứa. Thị trường đại lục chiếm 97% của số này, phần còn lại được đưa đến Nhật Bản và Hồng Kông. Ngay khi Trung Quốc công bố lệnh cấm, giới lãnh đạo Đài Loan nhanh chóng kêu gọi người dân tăng cường mua dứa và thương thuyết với các đối tác quốc tế để đẩy mạnh số lượng nhập khẩu sang các thị trường ngoài đại lục.
Đến ngày 3.3, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan thông tin nông dân Đài Loan đã nhận được đơn đặt hàng mua trước 41.687 tấn dứa. Cụ thể, 180 công ty đã đặt mua 7.187 tấn dứa tươi, 19 doanh nghiệp đặt mua 15.000 tấn dứa đã qua chế biến, 14 đơn vị cung cấp nước giải khát đặt mua 4.500 tấn dứa, một số nhà bán buôn và đại lý đặt mua 10.000 tấn dứa, các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp quốc tế đặt mua 5.000 tấn dứa.
|
Đến ngày 4.3, chính quyền Đài Bắc công bố một nhà phân phối đa quốc gia ở Nhật Bản đã nâng đơn đặt hàng 1.200 tấn dứa trước đó lên thành 6.200 tấn, tức đặt mua thêm 5.000 tấn. Đó là chưa kể Đài Loan đạt được thỏa thuận xuất khẩu 6.000 tấn dứa sang Úc vào tháng 5 tới đây.
Như vậy, các đơn đặt hàng trên về cơ bản đã giúp Đài Loan giải quyết hậu quả từ đòn trừng phạt của Trung Quốc.
Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên sử dụng đòn bẫy kinh tế nhằm trừng phạt, đe dọa các nước. Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố quyết định đánh thuế chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu từ Úc, có hiệu lực từ ngày 28.11.2020. Tuy nhiên, Úc sau đó cũng đã tìm thị trường xuất khẩu mới để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp bị tác động bởi lệnh trừng phạt này.
Cuối tháng trước, ông Shigo Yamaguchi, Đại sứ Nhật Bản tại Úc, từng kêu gọi Canberra giảm phụ thuộc thương mại vào Bắc Kinh. Và giới quan sát cũng nhận định các bên cần giảm bớt phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và sẵn sàng các biện pháp ứng phó.
“Tiềm lực kinh tế giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự. Vì thế, để đối phó Trung Quốc thì việc giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào nước này cũng là yếu tố sống còn”, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson) nhận định khi trả lời Thanh Niên.
Tuy nhiên, trong trường hợp về xuất khẩu dứa của Đài Loan thì thực tế lệnh cấm của Bắc Kinh chưa phải là đòn trực phạt mạnh mẽ. Bởi theo tờ South China Morning Post, tổng sản lượng dứa của Đài Loan trong năm 2020 là 420.000 tấn. Như vậy, sản lượng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng trồng dứa của nông dân Đài Loan.
PHÁT TIẾN
TNO