25/12/2024

Cả nước ‘điên đầu’ với karaoke, đâu phải chuyện riêng dân Sài Gòn hay An Giang?

Cả nước ‘điên đầu’ với karaoke, đâu phải chuyện riêng dân Sài Gòn hay An Giang?

Khi TP.HCM lên tiếng sẽ dẹp loạn karaoke tự phát, An Giang trước mắt dẹp karaoke lưu động chống dịch, một số tỉnh thành nói đã ‘nghiêm’ lâu nay – bạn đọc khắp nơi ‘tranh thủ’ phản ánh ‘nỗi khổ này là nỗi khổ toàn quốc’.

 

Cả nước điên đầu với karaoke, đâu phải chuyện riêng dân Sài Gòn hay An Giang? - Ảnh 1.

Karaoke tra tấn khắp nơi – Minh họa: DAD

Ở các tỉnh thành, thôn quê, hát còn ‘dai’ hơn TP.HCM 

Bạn đọc Hung khẳng định: “Ở quê hát còn gấp 100 lần TP.HCM. Cả nước quyết liệt giùm đi, dân cần lắm”.

Bạn đọc Hồng Vân kể: “Tôi về quê Hà Tĩnh với bố mẹ, mấy ngày tết chịu hết nổi vì âm thanh hỗn độn của dàn karaoke hàng xóm. Tội các cụ nhà mình, muốn yên tĩnh tí cũng không được. Đủ kiểu lên trầm xuống bổng, rượu vào rồi gào thét càng ghê, 9-10h đêm chưa nghỉ”.

Một “nỗi đau” ký tên Hà Tĩnh khác: “Có dịp về quê ở lại mấy ngày, tôi thấy sự thật trớ trêu, bên này đường kèn trống nhạc đám ma, bên kia đường dàn karaoke gia đình lại cứ gào…, nghe rất nghịch nhĩ”.

Phong trào cũng diễn ra ở miền Trung: “Tôi mới chuyển vào Đà Nẵng. Quanh nhà có 4-5 nhà thay nhau hát karaoke bất kể thời gian. Người già không được yên tĩnh nghỉ ngơi, trẻ con không tập trung học được, người đi làm cả ngày không được nghỉ. Nhà có bao nhiêu cửa kính đều phải đóng kín mít, thật sự rất ngột ngạt và ức chế. Nhiều lần báo, công an phường cũng không đến giải quyết”.

Cực Nam Tổ quốc cũng lên tiếng, bạn đọc Quốc Dương kể: “Tôi cư ngụ ở một khu xóm lao động của tỉnh cực Nam Tổ quốc. Người dân hát bất kể lý do, bất kể giờ giấc. Tôi đã áp dụng mọi biện pháp: gọi điện cho cảnh sát khu vực, rồi mua nút tai chống ồn nhưng chả ăn thua. Hiện nay đang áp dụng biện pháp cuối cùng: treo biển bán nhà. Mong rằng sau TP.HCM thì chính quyền địa phương cả nước mạnh tay trị hung thần này cho người dân được yên”.

Hậu Giang không ngoại lệ: “Làng quê lại càng bị tra tấn karaoke hơn cả bom tấn, suốt ngày đến khuya cứ ra rả hết giọng ngọng nghịu lại đớt đát. Rồi thì la làng khàn giọng, lạc giọng. Chẳng ra làm sao cả. Mình ở Hậu Giang. Thiết nghĩ Nhà nước ta nên chăng có luật hẳn hoi quyết liệt hơn”.

Bến Tre cũng hòa ca: “Mình đang viết bình luận này lúc 14h, và hàng xóm đang karaoke hết công suất rung cả cửa nhà mình. Nhà mình ở vùng nông thôn Bến Tre”. (Nhật Huy)

Chừng nào chính quyền chỗ tôi ở ra tay? Làm mạnh lên chính quyền ơi! 

– Chính quyền Dĩ An, Bình Dương sớm dẹp hung thần karaoke cho dân nhờ với. (Trung Mong)

– Đà Nẵng phải mạnh tay hơn nữa. Xóm tôi bị tra tấn bấy lâu nay. (Thanh Hải)

– An Giang đã tạm cấm. Đồng Tháp giáp ranh bao giờ làm ta?. (Hoàng Trần)

Bạn đọc Hoàng nói mình khổ lâu quá rồi: “Tôi ở An Giang, tối nào cũng bị tra tấn tiếng loa karaoke ăn nhậu như vậy. Tội nghiệp cha mẹ tôi lớn tuổi, đêm nào cũng bị khó ngủ. Gọi công an thì họ đến dẹp xong, một lát công an đi thì cũng như cũ. Phải có luật tịch thu tài sản, phạt tiền như luật giao thông mới được. Mong có tiếng nói đồng loạt trên toàn quốc, chứ không chỉ riêng TP.HCM”.

“Ủng hộ An Giang tiên phong cấm loa. Sau 22h mới nghỉ hát thì học sinh học kiểu gì? Hát ồn ào, con em chúng tôi về nhà không học bài nổi. Phải xem nó như ô nhiễm môi trường, xử lý mọi lúc mọi nơi nếu gây ồn áo quá lớn”. (Cảnh Trần)

“Là người dân của tỉnh An Giang, tôi xin ủng hộ tuyệt đối chủ trương dẹp loạn karaoke của UBND tỉnh, vấn nạn karaoke tại các đám cưới, đám đầy tháng, thôi nôi, thậm chí đám ăn nhậu tự phát… đã làm phiền cuộc sống của mọi người”. (Trần Lê)

“Hi vọng sớm thực hiện đồng bộ trên cả nước cho dân bớt khổ” – Trần Châu.

“Tôi đề nghị cấp từ trung ương hãy nhanh chóng vào cuộc vấn đề này. Nhân dân có hạnh phúc khi bị “tra tấn” bởi âm thanh lớn nhiều giờ?”. (DQ)

“Yêu cầu luật áp dụng toàn quốc chứ không phải chỉ TP.HCM”. (Công)

“Mong rằng lãnh đạo ở các tỉnh khác cũng đọc được loạt bài báo trên Tuổi Trẻ Online để xử lý giúp dân đỡ khổ, an tâm làm ăn”. (Trần Quốc Vinh)

“Tôi thấy tất cả địa phương và các tỉnh thành trên cả nước đều phải thực hiện nghiêm quy định về tiếng ồn tại khu dân cư. Bản thân tôi là nạn nhân của tiếng karaoke của dãy phòng trọ bên cạnh nhà, có thể hiểu vì sao có những vụ án mạng từ tiếng ồn mà ra. Ngày thứ bảy và chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi thì họ hát từ 11h đến 15h. Còn suốt những ngày giáp tết và sau tết thì sáng chiều. Muốn ngồi chỉ con học cũng không vô”. (Hông Lê)

Phải thêm điều luật riêng cho hát karaoke tại nhà

“Tôi yêu cầu phải có luật hát karaoke tại nhà, hát thì phải có phòng cách âm, chứ sau 10h đêm mới cấm thì họ hát từ sáng tới tối ai làm được gì họ.

Xin vui lòng làm thì làm cho tới, cho rốt ráo, cho triệt để, cho dứt điểm toàn diện, tới nơi tới chốn.

Thực trạng này là toàn quốc chứ không chỉ ở vài tỉnh thành lớn. Ở quê họ còn hát với loa công suất lớn, ở cách mấy kilomet còn bị vọng tới. Cuộc sống với nhu cầu tối thiểu là được nghỉ ngơi mà không được, ngược lại còn bị stress muốn đâm chết người thì nói gì đất nước văn minh tiến bộ. Luật gì thì cũng phải cải thiện tu bổ để theo kịp với thực trạng hiện tại” – bạn đọc tên Mạc ý kiến “hùng hồn”.

Bạn đọc từ nước ngoài… ngạc nhiên:

“Ở bên Đức chỉ cần có cuộc gọi báo cảnh sát, chủ nhà bị phạt, những người tham gia bị phạt luôn”. (Đoàn Nguyên).

Bạn đọc Trâm Nguyễn cũng đang ở Đức: “Chủ nhật muốn hút bụi mà cũng không dám vì sợ ồn. Còn sau 9 giờ đêm muốn xay sinh tố cũng không dám vì sợ hàng xóm than phiền”.

“Ở bên Nhật Bản, người dân muốn hát karaoke thì phải ra quán hát, còn việc ca hát ở nhà nếu làm ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm thì hàng xóm sẽ gọi điện cho cảnh sát tới nhắc nhở và xử lý. Không cần phải đo đạc âm thanh gì cả, nếu nói chuyện lớn tiếng làm ảnh hưởng hàng xóm họ cũng gọi báo cảnh sát”.

Nguyễn Bá Phượng

TRƯƠNG BẢO CHÂU tổng hợp
TTO