24/12/2024

Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông

Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông

Việc Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông có thể xem là một thông điệp mang tính đe doạ với nhiều bên tại vùng biển này.
Tàu hộ tống Hành Dương tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông vào năm 2020 /// CHINAMIL.COM.CN
Tàu hộ tống Hành Dương tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông vào năm 2020  CHINAMIL.COM.CN
Theo tờ South China Morning Post, quân đội Trung Quốc công bố tổ chức cuộc tập trận kéo dài 1 tháng trên Biển Đông từ ngày 1 – 31.3. Địa điểm tập trận nằm xung quanh quần đảo Lôi Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông.

Nói một đường làm một nẻo

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước như Pháp, Anh… đang tiến hành các hoạt động quân sự hướng đến khu vực Biển Đông, như một sự thách thức tuyên bố chủ quyền mà nước này đưa ra tại vùng biển này – vốn đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.
Trả lời Thanh Niên ngày 1.3, ông Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) cho rằng: “Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận lần này nhằm trả đũa việc Mỹ hợp tác cùng các đồng minh như Pháp để tiến hành nhiều hoạt động ở Biển Đông”.
Về phía ngược lại, vị chuyên gia nhận định: “Trong khi đó, Washington đang tổ chức hoạt động quân sự tại Biển Đông theo kiểu linh hoạt, khó đoán định và cũng nhằm chứng minh quyết tâm duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại đây”.
Cũng trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Thông qua cuộc tập trận, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng các cường quốc phương Tây hay Nhật Bản có thể thỉnh thoảng hiện diện tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn luôn ở vùng biển này và ngày càng có nhiều năng lực để đạt được ý muốn. Trung Quốc cho thấy sự hiện diện thường trực ở những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền, nhằm khiến cho các bên trong khu vực e ngại”.
Cùng quan điểm, TS Patrick Cronin (Chủ tịch Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đặt vấn đề: “Kết hợp với việc Trung Quốc ban hành luật hải cảnh mới gần đây cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, thì diễn biến tập trận cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự và bán quân sự ở Biển Đông. Điều đó dường như hoàn toàn trái ngược với điều mà Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng muốn đóng góp vì lợi ích chung”.

Nhiều chiêu trò đe dọa

Gần đây, Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận ở Biển Đông. Theo tờ South China Morning Post, Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) ngày 27.2 đưa tin hải quân thuộc Chiến khu Nam bộ của nước này vừa tổ chức cuộc tập trận bắn đạn thật.
Vốn dĩ, lực lượng hải quân thuộc Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở Biển Đông. Vì thế, giới quan sát nhận định cuộc tập trận trên diễn ra ở Biển Đông. Tham gia tập trận có tàu khu trục Ngân Xuyên thuộc loại Type-052C, tàu hộ tống Hành Dương thuộc lớp Type-054A, tàu mẹ vận tải đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn loại Type-071 và tàu hỗ trợ Tra Cán Hồ. Nội dung cuộc tập trận được giới thiệu là tập trung khả năng phòng thủ khi bị tên lửa tấn công. Cũng theo South China Morning Post, cuối tháng 2, Trung Quốc đã điều động 10 oanh tạc cơ, bao gồm dòng oanh tạc cơ chiến lược H-6, tham gia cuộc tập trận tác chiến trên biển ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc liên tục tập trận gây bất ổn ở Biển Đông1

Oanh tạc cơ chiến lược H-6 của Trung Quốc  ẢNH: CHINAMIL.COM.CN

Từ thực tế các hành động của Trung Quốc, TS Patrick Cronin khuyến nghị: “Các nước trong khu vực phải phối hợp để đảm bảo rằng các hành vi ép buộc, đe dọa không thể gây suy yếu luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Hiện nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có động thái thể hiện sự ủng hộ việc duy trì trật tự dựa trên quy tắc quốc tế, ví dụ như điều động chiến hạm thực hiện tự do hàng hải. Nhưng tôi hy vọng Washington sẽ tăng cường thêm động thái can dự bằng ngoại giao và kinh tế.
Nếu Trung Quốc tiếp tục có thêm hoạt động quân sự, thì nước này cần biết rằng điều đó sẽ khiến khu vực và cộng đồng quốc tế phối hợp để phản ứng lại”.
NGÔ MINH TRÍ
TNO