23/01/2025

Phân bón DAP thiếu nghiêm trọng, nên bỏ thuế tự vệ?

Phân bón DAP thiếu nghiêm trọng, nên bỏ thuế tự vệ?

Giá nhiều loại phân bón tăng mạnh, trong đó phân DAP tăng tới 50%, và khan hiếm, có nguy cơ không đủ cung cấp cho nông dân.

 

Phân bón DAP thiếu nghiêm trọng, nên bỏ thuế tự vệ? - Ảnh 1.

Nhiều loại phân bón giá tăng cao ảnh hưởng đến việc chăm sóc mùa màng của nông dân – Ảnh: THU THỦY

Ở thời điểm này, việc duy trì biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu đang khiến phân DAP ở Việt Nam khan hiếm, giá tăng vọt, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, đẩy khó khăn lên nền nông nghiệp trong nước, mà người chịu thiệt hại trước tiên là nông dân.

Văn bản kiến nghị của Vinacam

Doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương vào cuộc bình ổn thị trường, tạm ngưng áp thuế tự vệ với phân DAP nhập khẩu, giảm các thủ tục cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón.

Giá tăng chóng mặt

Theo các đại lý kinh doanh phân bón ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, giá bán phân bón các loại bắt đầu tăng từ đầu quý 4-2020 và gần đây càng tăng nhanh. Ông Lê Văn Thành, đại lý vật tư nông nghiệp ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết chưa năm nào mà ngay sau tết giá phân bón lại “hỗn loạn” như năm nay. Giá bán được các công ty phân phối thông báo thay đổi liên tục với lý do các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu tăng giá.

Tăng nhiều nhất là phân DAP với mức tăng chóng mặt trong 4 tháng qua. Cụ thể, phân DAP do các nhà máy trong nước sản xuất đang bán ở mức 9,52 triệu đồng/tấn (bán sỉ) và 10,4 triệu đồng/tấn (bán lẻ), tăng lần lượt 10% và 23% so với hồi tháng 10-2020.

Nhưng tăng “khủng” nhất chính là DAP nhập khẩu. Trong khoảng thời gian trên, giá DAP của Hàn Quốc tăng từ 12,8 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng 21%), DAP Trung Quốc tăng từ 10,4 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng tới 49%).

“Không chỉ tăng giá bán, nhiều loại phân bón DAP của Trung Quốc hay Hàn Quốc đang khan hiếm, muốn đặt hàng nhiều cũng không có. Các công ty phân phối nói rằng tình trạng thiếu xảy ra ở toàn quốc chứ không riêng gì miền Nam”, ông Thành cho biết.

Nhiều áp lực tăng giá

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam, cho biết thị trường phân bón thế giới trong 2 tháng gần đây đã tăng đột biến do khan hiếm nguồn cung và giá thế giới cũng tăng nhanh.

Cụ thể, giá FOB tại thị trường Trung Quốc tháng 11-2020 với phân DAP từ 357 – 360 USD/tấn, Urea 270 – 275 USD/tấn. Đến tháng 2-2021, giá lên mức 515 – 520 USD/tấn (tăng 158 – 160 USD/tấn).

Ngoài ra, tàu biển khan hiếm, giá cước container tăng cao gấp 3-5 lần so với trước đó, cộng với hàng rào kỹ thuật từ biện pháp tự vệ khiến giá phân bón nhập khẩu về VN tăng đột biến.

Trong khi phân Urea trong nước sản xuất vượt nhu cầu nội địa, một phần dành cho xuất khẩu thì DAP vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Đây là loại phân bón có khối lượng sử dụng lớn trong khi trong nước lại thiếu hàng.

Cụ thể, ông Hải cho biết hiện tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng không trong khi vụ xuân hè đang đến gần, khiến giá DAP bán tại VN tăng chóng mặt. “Với kinh nghiệm của mình và qua khảo sát hệ thống đại lý, Vinacam nhận định rằng tình hình thiếu hụt DAP ở VN hiện đang rất nghiêm trọng”, ông Hải cho hay.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công thương vừa qua, Vinacam cho rằng trong 3 năm qua, quyết định của Bộ Công thương áp biện pháp tự vệ chính thức với phân bón DAP và MAP nhập khẩu đã ít nhiều phát huy tác dụng bảo trợ sản xuất trong nước.

Nhưng nay để có đủ nguồn DAP phục vụ vụ xuân hè đang tới gần, Vinacam kiến nghị hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP nhập khẩu để các giao dịch nhập khẩu có thể trở lại bình thường từ đầu tháng 3-2021.

Phân Urea cũng “nóng”

Hiện phân Urea đang được bán sỉ với giá 9.000 – 9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần. Mức giá phân Urea đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đại diện Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) cho hay trên thế giới, thị trường Urea, đặc biệt các khu vực thị trường lớn như Nam Á, châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông, Hoa Kỳ… đều tăng giá do nguồn cung giao ngay hạn chế trong khi nhu cầu tăng và giá khí đốt, nguyên liệu chính sản xuất phân Urea, tăng cao.

Từ tháng 12-2020 đến nay, giá Urea thế giới tăng thêm 60 – 80 USD/tấn, tương đương khoảng 30%.

Một yếu tố quan trọng khác khiến giá phân bón tăng là ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường vận tải quốc tế khan hiếm tàu, đẩy giá cước tăng cao kỷ lục. Có những khu vực cước phí tăng 100 – 200% nhưng cũng không thuê được tàu, nên đã ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón tại hầu hết quốc gia.

Trên thị trường quốc tế, phân DAP có mức tăng giá cao nhất, khoảng 200 USD/tấn, tiếp đến là Urea tăng khoảng 80 USD/tấn… “VN hằng năm vẫn nhập khẩu trên 4 triệu tấn phân bón. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê đến nay, giá bán Urea từ các nhà sản xuất nội địa vẫn thấp hơn so với hàng nhập khẩu 7 – 8%, tương đương 500 – 600 đồng/kg” – vị đại diện PVFCCo cho biết.

Áp thuế trên 1 triệu đồng/tấn DAP nhập khẩu

Để bảo vệ các nhà máy sản xuất DAP trong nước, chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai (thuộc Tập đoàn Hóa chất VN), ngày 2-3-2018 Bộ Công thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Thuế nhập khẩu và thuế tự vệ với hai loại phân bón trên là hơn 1 triệu đồng/tấn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhu cầu tiêu thụ phân bón của VN hằng năm đạt 11 triệu tấn. Trong đó hơn 90% là phân bón vô cơ, còn lại là phân hữu cơ, vi sinh. Phân NPK chiếm tỉ trọng lớn nhất (35,5%), theo sau là Urea (22,2%), DAP (10,1%) và phân lân đơn (9%).

Không thiếu phân Urea

Theo PVFCCo, ước tính trong 2 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này đã cung ứng ra thị trường khoảng 138.000 tấn Đạm Phú Mỹ, vượt trên 30% kế hoạch đề ra. Hiện nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ hoạt động bình thường, ổn định. Trong tháng 3 và đến hết quý 2-2021, PVFCCo sẽ cung ứng trên 520.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, trong đó chủ lực là Đạm Phú Mỹ vào khoảng 400.000 tấn.

Các dự báo chuyên ngành cho thấy thị trường Urea thế giới sẽ ổn định so với 2 tháng đầu năm do giá đã tăng khá cao so với năm 2020, nhu cầu một số khu vực sẽ giảm dần, trừ Ấn Độ. Do vậy, áp lực đối với thị trường trong nước sẽ giảm nhiệt hơn.

Trên thị trường và trong chăm bón cây trồng hiện nay, bà con nông dân đã sử dụng đa dạng các loại phân bón. Các loại phân bón tổng hợp, phân hữu cơ… cũng khá dồi dào nên nông dân có nhiều lựa chọn khi có một mặt hàng thiếu hụt hoặc tăng giá.

* Ông Lê Triệu Dũng (cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương):

Sẽ rà soát, xác minh

Từ khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP từ năm 2018 và gia hạn bổ sung từ năm 2020 đến nay, Bộ Công thương đều chủ động theo dõi diễn biến tình hình thị trường, nhập khẩu, giá cả theo quy định. Thời gian qua có nhiều mặt hàng (gồm các mặt hàng khác đang áp dụng phòng vệ thương mại), chứ không riêng phân bón DAP, đều có giá nhập khẩu tăng, một phần nguyên nhân là do chi phí vận tải tăng từ trước tết.

Kể cả không có thuế tự vệ, với giá thế giới tăng, giá trong nước cũng sẽ tăng theo. Theo quy định của luật hiện nay, có thể có đề nghị rà soát để điều chỉnh hoặc có tiếp tục biện pháp tự vệ hay không.

Việc rà soát phải thực hiện theo căn cứ pháp lý và thực tiễn. Căn cứ pháp lý là rà soát hằng năm trên cơ sở kiến nghị các bên liên quan, không chỉ người sử dụng mà cả bên sản xuất, nhà nhập khẩu, chúng tôi đều lắng nghe. Mặt hàng phân bón DAP thời hạn rà soát là vào tháng 3-2021.

Từ kết quả rà soát có thể áp dụng biện pháp tăng hoặc giảm thuế, hay dừng áp dụng biện pháp tự vệ. Quá trình rà soát, Bộ Công thương sẽ có đánh giá tác động, bao gồm cả tác động cung cầu. Riêng phân bón DAP sẽ xem xét tổng thể thông tin, trong đó có những thông tin liên quan đến việc giá thế giới tăng, nguồn cung khan hiếm mà doanh nghiệp cung cấp. Chúng tôi phải xác minh thông tin có đúng không, từ số liệu nhập đến chi phí sản xuất cho bán hàng…

NGỌC AN

TRẦN MẠNH
TTO