23/12/2024

Hiện đại hoá quản lý công dân

Hiện đại hoá quản lý công dân

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Cùng với nhân sự của Bộ Công an, các kỹ sư công nghệ của VNPT cũng đã làm việc bất kể ngày đêm để dự án “về đích” trong thời gian ngắn nhất /// Ảnh: T.Q
Cùng với nhân sự của Bộ Công an, các kỹ sư công nghệ của VNPT cũng đã làm việc bất kể ngày đêm để dự án “về đích” trong thời gian ngắn nhất  ẢNH: T.Q
Chính thức được Bộ Công an khai trương ngày 25.2, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về dân cư) với liên danh do VNPT đứng đầu xây dựng, được xem là bước đột phá trong quản lý dân cư tại Việt Nam, thay đổi cơ bản từ phương thức thủ công sang hiện đại.

“Chìa khoá” định danh cá nhân

Quyết tâm khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý dân cư của các cơ quan nhà nước bắt đầu từ Quyết định 896 tháng 6.2013 của Thủ tướng phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020. Mục tiêu đề án nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…
Tháng 3.2020, Thủ tướng tiếp tục ban hành Quyết định số 366 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án CSDLQG về dân cư. Tới ngày 20.7.2020, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an và nhà thầu liên danh VNPT – HADIC – GTEL ICT, trong đó Tập đoàn VNPT là chủ trì liên danh, đã phát động triển khai dự án xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư, với quyết tâm đầu tư mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử này trong thời gian ngắn nhất.
Phát biểu tại lễ khai trương CSDLQG về dân cư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định CSDLQG về dân cư có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển chính phủ điện tử.
Đây cũng là “chìa khóa” giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Trên thực tế, khi đi vào vận hành, khai thác, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân, giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ. Cùng với đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy sẽ có thể được bãi bỏ để chuyển sang quản lý bằng dữ liệu điện tử khi các CSDLQG về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt.
Với những dữ liệu đã được làm sạch, chuẩn hóa và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ của hơn 90 triệu dân (92% dân số), các hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công các bộ, tỉnh và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm những tiêu chí: hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí. Là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ là nền tảng quan trọng để Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

“Thần tốc” hoàn thành sứ mệnh lịch sử

Hệ thống CSDLQG về dân cư quản lý thông tin của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 11.500 điểm từ cấp xã, huyện đến T.Ư, với lượng người truy nhập vào hệ thống hơn 40.000. Bởi vậy, việc triển khai xây dựng hệ thống CSDLQG về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng, đòi hỏi các bên tham gia phải có tiềm lực mạnh về CNTT cùng kinh nghiệm triển khai các dự án lớn mang tầm quốc gia.
Để giải bài toán phức tạp này, VNPT với vai trò là chủ trì công nghệ đã cùng với các đối tác trong liên danh là GTEL – ICT và Hadic đã dốc sức triển khai với tiến độ “thần tốc”. Thời gian chính thức để VNPT và các đối tác bắt tay xây dựng, thiết lập, thử nghiệm và vận hành hệ thống CSDLQG về dân cư chỉ khoảng 5 tháng (từ tháng 9.2020 – 2.2021).
Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch HĐTV – Tập đoàn VNPT, cho biết chính vì sự quan trọng và phức tạp của hệ thống nên VNPT cùng với các đối tác trong liên danh đã triển khai một cách bài bản, thận trọng nhất với những công nghệ tốt nhất và đảm bảo là hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ. “Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, chúng tôi đã tập trung tối đa nguồn lực, huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất của tập đoàn trên toàn quốc để triển khai xong hệ thống trong thời gian ngắn nhất”, ông Long chia sẻ.
Kết quả, chỉ sau 5 tháng, VNPT và liên danh đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống. VNPT cũng đã huy động tới 780 giảng viên nội bộ tiến hành đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ T.Ư đến địa phương để nắm vững nghiệp vụ quản trị, sử dụng và vận hành hiệu quả. Việc triển khai thành công CSDLQG về dân cư tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò tiên phong của VNPT trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
VNPT đã phát triển 13 phần mềm cho hệ thống CSDLQG về dân cư. Đến nay, tập đoàn đã hoàn thành việc tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng, gồm: Phần mềm quản trị ứng dụng; Phần mềm cư trú; Phần mềm quản lý tàng thư nhân, hộ khẩu; Phần mềm quản lý biến động về dân cư; Phần mềm báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư; Cổng thông tin dân cư; Phần mềm thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư và xử lý vi phạm; Phần mềm cung cấp dịch vụ dân cư. Trong khoảng thời gian 8 tuần (7.12.2020 – 30.1.2021), VNPT đã hoàn thành đào tạo 550 lớp tại 63 tỉnh, TP; đào tạo cho 23.652 học viên chiến sĩ công an về vận hành các ứng dụng trên hệ thống CSDLQG về dân cư.
NHẬT MINH
TNO