23/12/2024

‘Vắc xin toàn năng’ chặn mọi biến thể COVID: Không phải là ‘nhiệm vụ bất khả thi’

‘Vắc xin toàn năng’ chặn mọi biến thể COVID: Không phải là ‘nhiệm vụ bất khả thi’

Theo chuyên gia, nếu tìm ra và tập trung tấn công vào các ‘vùng bảo tồn’ mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 thì xem như có thể bào chế được loại vắc xin toàn năng dập được dịch COVID-19.

 

Vắc xin toàn năng chặn mọi biến thể COVID: Không phải là nhiệm vụ bất khả thi - Ảnh 1.

Một điểm tiêm vắcxin ngừa COVID-19 ở thủ đô Santiago, Chile ngày 26-2. Người dân lái xe đến, ngồi trên ôtô và được tiêm – Ảnh: REUTERS

Khi mà các biến thể của virus SARS-CoV-2 chực chờ đe dọa, ý định tạo ra một loại vắc xin có thể kháng lại mọi biến thể đang được gấp rút tiến hành.

Hiện nay đã có nhiều hãng dược cũng như các phòng thí nghiệm bắt tay vào nghiên cứu loại “vắc xin toàn năng này”.

Chuẩn bị cho đại dịch kế tiếp

Những ý tưởng được đặt nhiều hi vọng là việc tạo ra một thứ “vắcxin toàn năng”, có thể chống được mọi chủng virus độc hại cùng các biến thể của chúng.

“Trong những năm sắp tới, những chủng virus của các dòng SARS, MERS… có thể sẽ tạo ra tiếp các đại dịch. Các mầm bệnh trong tương lai có khả năng khó chịu hơn nhiều và tạo ra vắcxin ngăn chặn sẽ lâu hơn, thậm chí dòng SARS-CoV-2 cũng có các biến thể mới” – nhà di truyền học Eric Topol và giáo sư Dennis Burton, chuyên về miễn dịch và vi trùng học của Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ), nêu cảnh báo trong bài viết trên Nature News gần đây.

Theo hai chuyên gia này, cộng đồng thế giới cần chung tay làm việc và tài trợ cho việc nghiên cứu một loại vắcxin toàn năng.

“SARS-CoV-2 có 79% cấu thành giống với SARS-CoV-1 và 52% giống với MERS-CoV. Nếu chúng ta tìm ra các “vùng bảo tồn” của các chủng virus trên và tạo ra hiệu ứng miễn dịch tập trung vào đó thì về lý thuyết có thể vô hiệu được chúng” – bà Morgane Bomsel, nhà vi trùng học làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Viện Cochin, nêu nhận định.

Cũng theo chiều hướng đó, nếu tìm ra và tập trung tấn công vào các “vùng bảo tồn” mọi biến thể của virus SARS-CoV-2 xem như có thể bào chế được loại vắcxin toàn năng dập được dịch COVID-19.

Khó nhưng đáng làm

Theo bà Marie-Paule Kieny – giám đốc nghiên cứu ở Viện Y tế và nghiên cứu y học quốc gia Pháp (INSERM) và là chủ tịch Ủy ban Vắcxin 19 của Pháp, ý tưởng về một loại “vắc xin toàn năng” không hề mới, nhiều năm qua các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm ra loại có thể trị được cúm mùa.

“Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã sử dụng các ứng viên vắc xin tiềm năng bào chế dựa trên các protein ít bị biến thể, nhưng cho đến nay các vắc xin này cho thấy hiệu quả chưa bằng các loại đang có” – bà Marie-Paule Kieny dẫn chứng.

Theo bà, loại vắc xin toàn năng có thể diệt mọi loại virus không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” nhưng là một sứ mệnh khó. Có thể nói rằng ngoài các ông lớn dược phẩm đã và đang cho ra mắt các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay, cũng có một số phòng thí nghiệm thử nghiệm những hướng mới tính đến khả năng cho một loại vắc xin hữu hiệu hơn.

Khi ta đưa vắc xin thẳng vào màng nhầy như ở mũi, tức là ta tạo ra phản ứng miễn dịch theo vòng, bà Morgane Bomsel giải thích và nói thêm: Việc tạo phản ứng miễn dịch đường màng nhầy không chỉ bảo vệ theo đường máu mà cả theo đường chất nhầy, trong khi tiêm vắc xin không bảo vệ được chất nhầy.

COVID-19 là bệnh tấn công vào phổi qua đường mũi, nên ý tưởng về loại vắc xin xịt mũi không phải là không có lý của nó.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO