Vắc xin COVID-19 ‘đổ bộ’ Đông Nam Á
Vắc xin COVID-19 ‘đổ bộ’ Đông Nam Á
Đông Nam Á đã nhận được hàng trăm ngàn liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Trong đó, Thái Lan trở thành quốc gia mới nhất ở khu vực bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng.
Hôm 28-2, liều vắc xin đầu tiên – sử dụng vắc xin Hãng Sinovac Biotech của Trung Quốc – đã được tiêm cho Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul.
Tất cả nhập khẩu vắc xin
“Đây là một ngày lịch sử và là ngày để giúp đất nước xây dựng lại lòng tin chống dịch COVID-19” – Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu trước báo giới, sau khi tất cả những người được tiêm hoàn tất thời gian theo dõi 30 phút và không cho thấy phản ứng có hại.
“Tôi hi vọng việc tiêm vắc xin sẽ giúp người dân an toàn trước sự lây lan của COVID-19 và cho phép Thái Lan quay lại tình trạng bình thường sớm nhất có thể” – Phó thủ tướng Anutin chia sẻ.
Tuần trước, Thái Lan tiếp nhận 200.000 liều vắc xin Hãng Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc và 117.000 liều vắc xin của Hãng AstraZeneca. Thái Lan dự kiến bắt đầu chương trình phân phối 10 triệu liều vắc xin một tháng vào tháng 6 tới, với 61 triệu liều vắc xin Hãng AstraZeneca sẽ do công ty địa phương Siam Bioscience sản xuất.
Theo Hãng tin Bloomberg, Thái Lan muốn tiêm chủng cho 50% dân số nước này tính tới cuối năm 2021, trong bối cảnh chính phủ nỗ lực mở lại biên giới vốn đã bị đóng cửa trong gần một năm qua để chống dịch và làm hồi sinh ngành du lịch đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Một số nước khác trong khu vực trước đó đã có bước đi tương tự Thái Lan. Trong video phát trực tiếp hôm 13-1, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã xắn tay áo lên để được tiêm liều vắc xin CoronaVac đầu tiên của Hãng Sinovac, khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Phía Bộ Y tế Indonesia cho biết chương trình tiêm chủng đầy tham vọng của Indonesia sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi 181,5 triệu dân (2/3 dân số Indonesia) được tiêm vắc xin trong vòng 15 tháng.
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này gần đây còn duyệt một trong những chương trình tiêm vắc xin tư nhân đầu tiên trên thế giới, vận hành song song với chương trình quốc gia, để các công ty có thể mua vắc xin tiêm cho nhân viên.
Trong khi đó, Malaysia đã nhận lô vắc xin đầu tiên của Hãng Sinovac với tổng cộng 200 lít (sau đó được chia thành 300.000 liều) hôm 27-2.
Cách đó một tuần, hôm 21-2, Malaysia tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên gồm 312.390 liều của Hãng Pfizer/BioNTech. Hôm 24-2, Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin trở thành người đầu tiên ở Malaysia tiêm vắc xin này, khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia.
Malaysia dự kiến tiếp nhận 66,7 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 thông qua chương trình COVAX Facility và hợp đồng ký với 5 hãng sản xuất gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CanSinoBIO và Sputnik V. Số vắc xin này đủ tiêm cho tới gần 110% dân số của Malaysia.
Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Brunei cũng đã tiếp nhận những lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên từ nước ngoài.
Theo Hãng tin Reuters, dù là nước có tổng số ca bệnh COVID-19 cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia) cho tới nay, Philippines là quốc gia cuối cùng trong khối ASEAN tiếp nhận lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Ngày 28-2, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được đưa tới Philippines với 600.000 liều do Hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
“Điểm nóng” Philippines, Campuchia
Báo Khmer Times ngày 28-2 đưa tin trong chỉ một tuần Campuchia ghi nhận 297 ca dương tính liên quan “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở nước này lên 805 (trong đó phần đông là người Campuchia và người Trung Quốc).
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia cho biết bài học rút ra từ 2 sự cố lây nhiễm cộng đồng vào năm ngoái và hôm 20-2 cho thấy có nhiều cá nhân đã không tuân thủ luật, chẳng hạn trong vấn đề xét nghiệm và hỗ trợ công tác truy vết tiếp xúc.
Vừa qua, ông quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định phòng chống dịch. Theo đó, người nước ngoài có thể bị trục xuất và cấm trở lại Campuchia nếu trốn cách ly, xét nghiệm hoặc không phối hợp với nhà chức trách trong việc truy vết.
Về công tác tiêm vắc xin, từ đầu tháng 2 Campuchia đã triển khai tiêm chủng, sử dụng 600.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 do Trung Quốc tặng. Trong số những người đầu tiên được tiêm có các con trai của Thủ tướng Hun Sen và các bộ trưởng Campuchia.
Tại Philippines, hôm 27-2 Tổng thống Rodrigo Duterte đã gia hạn các biện pháp hạn chế giúp chống dịch COVID-19 tại thủ đô Manila tới cuối tháng 3. Hôm 27-2, Philippines ghi nhận thêm 2.921 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong hơn 4 tháng, nâng tổng số ca nhiễm lên 574.247.
Bất chấp nhiều lời kêu gọi mở lại nền kinh tế, ông Duterte vẫn muốn duy trì các biện pháp hạn chế tại Manila cho tới khi công tác tiêm chủng trên diện rộng bắt đầu được triển khai.
Trung Quốc “ngoại giao vắc xin”
Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 28-2 có bài viết đánh giá Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng thông qua “ngoại giao vắc xin”, cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho các quốc gia đang phát triển và có thu nhập thấp. Chẳng hạn Trung Quốc tặng vắcxin sản xuất nội địa cho 53 quốc gia, chủ yếu ở Đông Nam Á và châu Phi.