Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học De Montfort (Anh) thực hiện. Nhóm nhiên cứu muốn kiểm tra khả năng tồn tại của virus SARS-CoV-2 trên 3 loại vải khác nhau thường được dùng trong các phòng khám, bệnh viện, theo Daily Mail.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không dùng SARS-CoV-2 mà dùng HCoV-OC43, một
virus Corona khác có đặc tính rất giống SARS-CoV-2. Các giọt dung dịch chứa virus được nhỏ vào 3 loại vải khác nhau.
Kết quả nghiên cứu cho thấy virus có thể tồn tại ở mức độ lây nhiễm trên vải polyester đến 3 ngày, trên vải cotton 2 ngày và polycotton là 6 giờ.
Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này là rất đang quan tâm. Nếu virus dính trên quần áo của các nhân viên y tế thì thông qua quần áo, họ có thể mang mầm bệnh từ bệnh viện về nhà.
“Khi dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát, chúng ta hiểu biết rất ít về khả năng tồn tại của virus
Corona trên vải. Phát hiện của chúng tôi cho thấy
nguy cơ lây lan virus của 3 loại vải được dùng phổ biến trong lĩnh vực chăm sóc
sức khỏe”, tiến sĩ vi sinh vật Katie Laird, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Do đó, bà khuyến cáo Chính phủ Anh nên duy trì việc giặt đồng phục của các y, bác sĩ ngay tại bệnh viện bằng máy giặt công nghiệp.
Ngoài ra, Cơ quan dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) từng khuyến cáo nếu muốn loại bỏ virus trên quần áo, người dân cần phải giặt ở
nhiệt độ 60 độ C. Tuy nhiên, trong nghiên cứu, nhóm của tiến sĩ Laird đã thử nghiệm trên vải cotton, loại vải quần áo phổ biến nhất của các nhân viên y tế.
Khi giặt quần áo với bột giặt và nước, nhóm nghiên cứu phát hiện không thể loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh trên quần áo. Chỉ khi giặt với bột giặt và nước ở nhiệt độ từ 67 độ C trở lên thì virus mới bị tiêu diệt hoàn toàn, theo Daily Mail.
NGỌC QUÝ
TNO