23/12/2024

Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện

Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện

Hệ thống hải lưu Đại Tây Dương suy yếu nhất trong hàng ngàn năm qua đang làm dấy lên những lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng. Viễn cảnh “đại dương tê liệt” đang ở ngay trước mắt.

 

Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện - Ảnh 1.

Bối cảnh trong bộ phim viễn tưởng The Day After Tomorrow dựa trên hiện tượng các dòng hải lưu trong đại dương đột ngột ngừng chảy – Ảnh chụp màn hình

Theo kết luận từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, các hải lưu ở Đại Tây Dương đóng vai trò quan trọng trong việc phân bố lại lượng nhiệt trong hệ thống khí hậu của Trái đất.

Trong bộ phim The Day After Tomorrow (tựa tiếng Việt là Ngày kinh hoàng) năm 2004, khi các dòng hải lưu đột ngột ngừng chuyển động, siêu bão đã nổi lên toàn cầu, phá hủy các công trình và đẩy loài người đến ngày tận thế. Bộ phim viễn tưởng này dựa trên các kiến thức khoa học có thật nhưng phóng đại hậu quả để ăn khách.

Theo Đài CBS News, nếu hệ thống hải lưu đột ngột ngừng chuyển động, bão có thể xuất hiện nhưng không đến mức tàn khốc như trong phim. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có các tác động tiêu cực lên Trái đất vì hiện tượng này là không thể tránh khỏi.

Điều đáng lo ngại là hệ thống hải lưu Đại Tây Dương đang bắt đầu chậm lại và hiện đang chảy chậm nhất trong vòng 1.600 năm qua.

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân một phần của tình trạng này có liên quan trực tiếp đến hiện tượng ấm lên toàn cầu, vì băng tan dẫn đến sự mất cân bằng ở vùng biển phía bắc.

“Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng nếu con người không thể kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu, một lúc nào đó hệ thống các dòng chảy có thể đạt đến điểm giới hạn, các mô hình khí hậu toàn cầu có nguy cơ trở nên hỗn loạn”, Đài CBS trích dẫn nghiên cứu ngày 25-2.

Dòng hải lưu Gulf Stream (hay dòng Vịnh) ở khu vực đông duyên hải Mỹ là một phần không thể thiếu của hệ thống các dòng chảy này, được biết đến với tên Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương, hay AMOC.

Nghiên cứu gần đây đã cho thấy dòng hải lưu Gulf Stream đã di chuyển chậm hơn 15% kể từ năm 1950, một sự suy yếu chưa từng có trong vòng một thiên niên kỷ qua. Nếu con người tiếp tục phớt lờ hiện tượng nóng lên toàn cầu, tốc độ di chuyển của Gulf Stream sẽ chậm lại từ 34% đến 45%.

Một trong những hậu quả dễ thấy khi hải lưu chảy chậm là mực nước biển dâng cao, ví dụ như miền đông duyên hải Mỹ.

Theo bà Levke Caesar – nhà vật lý khí hậu tại Đại học Maynooth ở Ireland, khi dòng chảy chậm lại, nước có thể tích tụ nhiều hơn dẫn đến mực nước biển dâng cao đe dọa các thành phố New York và Boston.

KỲ THƯ
TTO