23/12/2024

Xã hội hoá vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm

Xã hội hóa vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm

Ngành y tế đề nghị cần sớm xã hội hóa vắc xin để mở rộng việc tiếp cận vắc xin của người dân. Ngoài ra, chiến lược “vắc xin + 5K” cần được thực hiện hiệu quả, không vì có vắc xin mà chủ quan, phải có thứ tự ưu tiên.

 

Xã hội hóa vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm… là một trong những đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tinh thần là bao phủ vắc xin cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 24-2. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hơn 117.000 liều vắc xin đã về đến Việt Nam.

Chúng ta huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc xin để có thể có khoảng 90 triệu liều. Điều này giúp bảo đảm ngân sách của Nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vắc xin theo hình thức xã hội hóa. Nếu tính theo lộ trình như vậy thì năm 2021 chúng tôi xin bảo đảm không thiếu vắc xin.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tiêm theo thứ tự ưu tiên

Tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Hạnh – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – cho biết tỉnh vừa có kiến nghị với Chính phủ về việc HĐND tỉnh có nghị quyết để dành 530 tỉ đồng xin đóng góp với Chính phủ để lo vắc xin cho người dân trên toàn quốc, trong đó có các lực lượng ưu tiên.

Việc mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin và các đối tượng tiêm cũng được nhiều địa phương, bộ ngành kiến nghị. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế để các tỉnh thành có thể trực tiếp tiếp cận nguồn vắcxin. “TP mong muốn đăng ký mua vắc xin tiêm cho tất cả người dân thủ đô” – ông Dũng nói.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An đề nghị cùng với việc thực hiện bản đồ an toàn cho các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh, cần mở rộng đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin.

Bộ Công thương sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm ngoài nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong ngành điện còn có nhóm các nhà máy dầu khí, nhà máy lọc dầu và nhân viên bán hàng ở khu vực hàng hóa thiết yếu của các chuỗi thương mại cần được ưu tiên tiêm vắc xin.

Thủ tướng cho biết không thể ngay một lúc tiêm vắc xin cho tất cả 100 triệu dân, nên phải có thứ tự ưu tiên. Trước hết là nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu; lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly; lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện.

Với các đối tượng khác, tới đây Chính phủ sẽ có một nghị quyết riêng để thực hiện trên nguyên tắc: đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.

Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối tiếp nhận các kênh có vắcxin để có nhiều loại vắcxin phù hợp, có giá rẻ, minh bạch cho người dân. Ngoài ra vận dụng mọi cơ chế phù hợp để không xảy ra ách tắc trong việc tiếp cận vắc xin, nhanh chóng tiêm chủng cho các đối tượng được ưu tiên.

Tiếp cận thêm nguồn vắc xin

Về vấn đề vắc xin, tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay sẽ có ba nguồn vắc xin cung cấp cho Việt Nam trong thời gian tới. Trước hết là nguồn từ Chương trình COVAX với 30 triệu liều, cơ bản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu và hiện đang hoàn tất các thủ tục khác.

Theo COVAX, trong tuần này sẽ có thông báo chính thức số lượng vắc xin cho tất cả các quốc gia trên thế giới, nên Bộ Y tế đang đàm phán để trong năm 2021 sẽ cung ứng đầy đủ cho Việt Nam 30 triệu liều.

Nguồn thứ hai là từ AstraZeneca, Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng để thực hiện mua toàn bộ 30 triệu liều. Tới đây sẽ thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị, sẽ triển khai đấu thầu càng sớm càng tốt để có vắc xin tiêm trong thời gian sớm nhất.

Nguồn thứ ba là vắc xin của Pfizer hiện đang đàm phán, với khả năng hãng sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên, với loại vắcxin này, ông Long cho hay có một số điều kiện về bảo quản và tiêm 5 ngày sau khi rã đông nên cần phải đàm phán và huy động xã hội hóa để thực hiện hiệu quả.

Ngoài ra, bộ cũng đang đàm phán và tiếp cận nguồn vắc xin từ một số nước như Nga, Ấn Độ và doanh nghiệp khác.

Hàng không Việt sẵn sàng vận chuyển vắc xin

Ngay sau lô hàng vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên về VN do Hãng Korean Air (Hàn Quốc) thực hiện, ngày 24-2 lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết vừa đề xuất với cơ quan y tế việc hãng sẽ đảm nhận vận chuyển vắc xin trong thời gian tới.

Hiện hãng đã thành lập một đơn vị chuyên trách, sẵn sàng thực hiện ngay nhiệm vụ khi có yêu cầu. Ngoài ra, theo Vietnam Airlines, hãng đã có đầy đủ dịch vụ hậu cần, kho lạnh hiện đại, quy trình vận chuyển hàng hóa đông lạnh toàn diện theo tiêu chuẩn.

Về dịch vụ mặt đất và kho hàng, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Đức Thanh – phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ mặt đất sân bay VN (Viags) – cho biết vắc xin sẽ được sắp xếp khu vực riêng biệt trong gầm hàng máy bay với đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe.

Nhân viên được trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn trong quá trình lấy hàng hóa, xịt khuẩn gầm hàng… Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất – TCS (kho hàng hàng không lớn nhất miền Nam) cho biết hệ thống kho lạnh bảo quản, trong đó có bảo quản vắc xin, đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn, sẵn sàng tiếp nhận, phục vụ các lô vắc xin trong thời gian tới.

Quá trình vận chuyển vắc xin từ máy bay đến kho hàng được áp tải, giám sát chặt chẽ bằng camera trong tất cả quá trình đến khi lô hàng được thông quan, bàn giao.

Trước đó, Cục Hàng không VN đã đề nghị Bộ GTVT giao cho các hãng hàng không VN đảm nhận vận chuyển vắc xin của Chính phủ trong thời gian tới.

C.TRUNG

NGỌC AN
TTO