Mỹ đề nghị chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc
Mỹ đề nghị chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc
Cùng với đồng minh, Mỹ nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng về chip bán dẫn và những sản phẩm công nghệ đóng vai trò chiến lược, nhằm giảm phụ thuộc Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vào rạng sáng 25.2 (giờ VN) ký ban hành sắc lệnh hành pháp thúc đẩy nỗ lực hợp tác với các đồng minh Đông Á trong lĩnh vực chip bán dẫn và các sản phẩm công nghệ đóng vai trò chiến lược của Mỹ, Reuters đưa tin.
Theo sắc lệnh này, chính quyền Washington sẽ có thời hạn 100 ngày để rà soát các chuỗi cung ứng của 4 sản phẩm then chốt: chip bán dẫn, pin công suất lớn dành cho ô tô, kim loại đất hiếm và ngành dược phẩm. Sắc lệnh cũng chỉ đạo thẩm tra 6 lĩnh vực, tập trung vào mảng quốc phòng, y tế công cộng, công nghệ viễn thông, giao thông, năng lượng và sản xuất thực phẩm.
Sắc lệnh yêu cầu các ban ngành của Mỹ xây dựng chiến lược về chuỗi cung ứng dựa trên các nguồn cung bền vững và ít bị gián đoạn do tác động của những quốc gia “không thân thiện”.
Theo báo Nikkei Asia, chính quyền Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ xây dựng quan hệ đối tác với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip điện tử. Về đất hiếm, Mỹ muốn bắt tay với các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Úc, cũng như Mỹ Latin. Bên cạnh đó, chính quyền Washington có thể đề nghị các đối tác hạn chế hợp tác kinh doanh với Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo các nguồn thạo tin, Mỹ đã quyết định hành động sau khi chứng kiến năng lực sản xuất chất bán dẫn đã giảm mạnh từ mức 37% vào năm 1990 xuống còn 12% như hiện nay. Nhà Trắng hôm qua đã tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề trên, sau khi các hãng ô tô và các nhà sản xuất khác của Mỹ buộc phải cắt giảm sản lượng vì thiếu linh kiện, theo báo The Washington Post. Cuộc họp giữa Tổng thống Biden và nhóm nghị sĩ thuộc lưỡng đảng diễn ra một ngày sau khi Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mỹ, kêu gọi xây dựng các biện pháp đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Schumer cho hay đã yêu cầu các ủy ban thượng viện soạn thảo các dự luật dựa trên đề xuất của ông vào năm 2020, theo đó chi 100 tỉ USD (2,3 triệu tỉ đồng) cho nỗ lực nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của Mỹ trong thời gian tới. “Tôi muốn các dự luật mới phải nêu lên các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ, và duy trì vị thế số một của Mỹ trong mảng trí thông minh nhân tạo, 5G, máy tính lượng tử, nghiên cứu y sinh, lưu trữ dữ liệu”, lãnh đạo thượng viện Mỹ nhấn mạnh.
THUỴ MIÊN
TNO