23/11/2024

Doanh nghiệp các nước ‘góp’ vắc xin với chính phủ ra sao?

Doanh nghiệp các nước ‘góp’ vắc xin với chính phủ ra sao?

Theo Hãng tin Bloomberg (Mỹ), nhiều công ty đã nhìn thấy lợi ích riêng của doanh nghiệp gắn bó trực tiếp với lợi ích của việc quốc gia hay khu vực mà họ đang hoạt động đẩy lùi được COVID-19.

 

Doanh nghiệp các nước góp vắc xin với chính phủ ra sao? - Ảnh 1.

Nhân viên Hãng hàng không Cathay Pacific chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 Sinovac do Trung Quốc sản xuất ở một điểm tiêm chủng tại Hong Kong ngày 23-2 – Ảnh: REUTERS

Thưởng cho nhân viên chịu tiêm vắc xin

Ngày 17-2, Công ty thực phẩm Tyson Foods, chuyên cung cấp thịt gà, heo, bò… lớn ở Mỹ, thông báo công ty này sẽ tiêm miễn phí và có thưởng thêm cho các nhân viên đồng ý tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo đó, công ty cho tiêm vắc xin ngừa COVID-19 miễn phí tại nhiều cơ sở của công ty và trả cho người lao động tiền lương tương ứng với tối đa 4 giờ làm việc nếu họ tiêm vắc xin ở cơ sở khác.

Tyson Foods được xác định là một trong những ngành nghề thiết yếu được phép hoạt động trong cả các thời điểm diễn ra giãn cách xã hội. Là công ty giết mổ và cung ứng thịt ra thị trường, ngành hàng này đã bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh COVID-19 ở Bắc Mỹ và nhiều nhà máy bị đóng cửa trong năm qua do có công nhân bị bệnh.

Đây là một nỗ lực của nhiều công ty tư nhân ở Mỹ trong việc đồng hành với chính quyền đẩy lùi COVID-19, sớm đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại vì lợi ích kinh tế của chính doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Mỹ, nhiều công ty, chuỗi siêu thị lớn tuy không mua vắc xin nhưng cũng có hành động khuyến khích nhân viên đi tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng theo nhóm đối tượng ưu tiên của chính phủ. Nhiều công ty bồi dưỡng khoản tiền một lần hoặc hai lần, tối đa tiền lương theo 4 giờ làm việc cho hai lần đi tiêm của nhân viên.

Việc các công ty cố vận động để nhân viên của công ty mình được xem là cung cấp các dịch vụ thiết yếu và được xếp ở vị trí hàng đầu trong danh sách ưu tiên đã được nhiều báo chí ở Mỹ ghi nhận.

Chia sẻ bằng tiêm vắc xin dịch vụ

Trong khi đó, các công ty lớn ở Ấn Độ đề xuất chính phủ đồng ý cho các công ty sử dụng quỹ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhân viên như một cách chia sẻ cùng chính phủ. Với sáng kiến này, các công ty cũng mong muốn có quyền tìm kiếm những loại vắc xin theo nhu cầu, không giống chương trình tiêm chủng nhà nước.

Ấn Độ cũng khuyến khích tạo ra những cơ chế cho phép người có khả năng tự trả tiền vắc xin dễ dàng tìm kiếm vắc xin dịch vụ ngoài chương trình tiêm chủng của chính phủ, vốn phải tiến hành theo thứ tự ưu tiên.

Nếu đề nghị được cho phép, mục tiêu tiêm chủng của chính phủ sẽ được đẩy nhanh hơn. Các công ty sử dụng nhiều nhân công thuộc nhiều lĩnh vực như sản xuất thép, công nghệ ôtô, hàng tiêu dùng… ở Ấn Độ đã tìm kiếm những nguồn vắc xin có thể mua trên thị trường để tiêm cho nhân viên.

Để giảm bớt gánh nặng cho chính phủ, Indonesia cũng đang cân nhắc sáng kiến cho phép các công ty có nhu cầu mua vắc xin tiêm cho công nhân sau khi chính phủ tiêm xong cho những đối tượng ưu tiên ở tuyến đầu, để tránh cạnh tranh nguồn vắc xin.

Tuy nhiên, Indonesia chưa có quyết định cuối cùng về việc này vì sợ chính sách này có thể bị xem là ưu tiên cho những người giàu có khả năng chi trả.

Tại Việt Nam, chủ một doanh nghiệp thương mại người Malaysia bị kẹt ở Việt Nam hơn một năm qua cho biết chị rất mong muốn sớm có chương trình vắc xin ngừa COVID-19, bất kể là dịch vụ hay miễn phí để tham gia.

Chị khẳng định mình sẵn sàng trả tiền để tiêm vắc xin dịch vụ và đồng ý rằng mỗi đơn vị cung ứng dịch vụ cần có lời trong hoạt động của mình.

Mặc dù bản thân sẵn sàng và có thể trả mức giá cao để tiêm sớm nhưng do giá gốc của vắc xin đã được công bố rộng rãi, chị cho biết sẽ rất buồn nếu các doanh nghiệp trục lợi trong hoàn cảnh đại dịch, đẩy giá vắc xin dịch vụ lên quá cao.

HỒNG VÂN
TTO