02/01/2025

Phối hợp quốc tế chặn bước tham vọng của Trung Quốc

Phối hợp quốc tế chặn bước tham vọng của Trung Quốc

Trong cuộc họp báo mới nhất, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố nước này xem “bộ tứ kim cương” là động lực cần thiết và xây dựng hợp tác đa phương để chặn bước tham vọng của Trung Quốc.
Chiến hạm của 3 nước Mỹ, Nhật và Úc tập trận chung trên Biển Đông cuối năm 2020 /// US NAVY
Chiến hạm của 3 nước Mỹ, Nhật và Úc tập trận chung trên Biển Đông cuối năm 2020 US NAVY
Rạng sáng 23.2 (theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức họp báo dưới sự chủ trì của phát ngôn viên Ned Price. Trong buổi họp báo, “bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là một chủ đề gây nhiều chú ý về chính sách đối ngoại của Washington.

“Bộ tứ kim cương” là động lực

Theo đó, ông Price khẳng định “bộ tứ kim cương” là một ví dụ về việc Mỹ và một số đối tác thân thiết nhất hợp tác với nhau vì lợi ích tự do, rộng mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
“Chúng tôi nhận thấy “bộ tứ” có động lực cần thiết và tiềm năng quan trọng. Nên chúng tôi sẽ xây dựng nhóm này thông qua việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực trọng tâm truyền thống, bao gồm an ninh hàng hải, đồng thời phối hợp với các đối tác của “bộ tứ” để đối đầu với các thách thức đã được xác định”, phát ngôn viên Price thông tin và đây cũng là cách thức mà Washington đang phối hợp với các đồng minh ở cả châu Âu lẫn Indo-Pacific nhằm hình thành một vị thế mạnh mẽ hơn để đối phó với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc về thương mại, đồng thời ám chỉ về các rủi ro liên quan an ninh viễn thông đối với Tập đoàn Huawei do tác động từ chính quyền Bắc Kinh.
Ngày 18.2 vừa qua, các ngoại trưởng của “bộ tứ kim cương” có cuộc họp trực tuyến do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì. Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nhật sau cuộc họp, “bộ tứ” đã thảo luận về luật hải cảnh mới của Trung Quốc vốn gây nhiều quan ngại cho các vùng biển trong khu vực như Biển Đông, biển Hoa Đông. Đến ngày 20.2, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Price cũng lên tiếng lo ngại luật này.

“Bắt bài” chiến lược của Bắc Kinh

Việc các nước phối hợp để ứng phó với các hành động của Trung Quốc là điều mà nhiều chuyên gia từng khuyến nghị.
Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng chính quyền Trung Quốc, dưới thời ông Tập Cận Bình hiện nay, luôn tính toán “đường rút” trước khi hành động.
Theo cựu đại tá Schuster, trong các vấn đề như Hồng Kông và Tân Cương thì chính quyền Bắc Kinh đã không hề “xuống thang” khi nhìn thấy sự phản ứng có chừng mực của các nước khác.
“Gần đây, sự “xuống thang” duy nhất của chính quyền Trung Quốc là trong vấn đề biên giới với Ấn Độ. Sự phản ứng mạnh mẽ của New Delhi đã khiến Bắc Kinh phải lùi bước. Dù Trung Quốc chậm rãi đồng ý đàm phán nhưng diễn biến thực tế cho thấy nước này chọn cách đối thoại với Ấn Độ. Vì thế, nếu không có phản ứng thống nhất, hiệu quả của cộng đồng quốc tế đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, như ở Biển Đông, thì Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược cưỡng ép, gây hấn một cách tăng dần, dù vẫn thận trọng”, ông Schuster phân tích.
Cũng trả lời Thanh Niên về tình hình Biển Đông, GS James Kraska (chuyên gia về luật Hàng hải quốc tế – Đại học Hải chiến Mỹ) từng cho rằng các nước nên tiếp tục phát triển và thắt chặt hợp tác về an ninh lẫn kinh tế để cùng ứng phó với các hành vi của Trung Quốc.
Và hiện nay, trong vấn đề Biển Đông nói riêng, hay tình hình Indo-Pacific nói chung, không chỉ Mỹ cùng các thành viên trong “bộ tứ kim cương”, mà nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức cũng đang tăng cường các hoạt động để ngăn chặn việc Trung Quốc tự xem vùng biển này là “ao nhà”.
Trung Quốc dùng phần mềm mã độc sao chép từ tình báo Mỹ
Công ty Checkpoint Software Technologies (Israel) hôm qua công bố báo cáo cho thấy điệp viên Trung Quốc đã sử dụng phần mềm mã độc (malware) sao chép từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), một cơ quan tình báo của Mỹ, để tiến hành hoạt động tấn công mạng. Các chuyên gia Israel phát hiện một malware được gọi là “Jian” của Trung Quốc giống đến mức chỉ có thể là bị đánh cắp từ NSA, theo Reuters. Ông Yaniv Balmas, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Checkpoint, gọi Jian là “malware nhái”, hay bản sao của Trung Quốc.
Trước đây, Công ty quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) từng phát hiện malware Jian hồi năm 2017. Đáng chú ý là trong giai đoạn 2016 – 2017, một nhóm bí ẩn tự xưng là “Shadow Brokers” công bố một số đoạn mã phát triển malware nguy hiểm nhất của NSA trên internet. Đây là ví dụ điển hình cho thấy những malware do chính phủ phát triển có thể được dùng để chống lại chính người tạo ra chúng như thế nào.
Phúc Duy
Washington tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh về kinh tế
Tại buổi điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ hôm 23.2 (giờ Việt Nam), ông Wally Adeyemo, người được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử vào vị trí thứ trưởng tài chính, cam kết sẽ chống lại những hành xử kinh tế của Trung Quốc mà theo Mỹ là bất công. Ông Adeyemo nêu lên 3 trọng tâm của nghị trình làm việc trong trường hợp nhậm chức, đó là cải thiện năng lực cạnh tranh của Mỹ, khôi phục vị thế đầu tàu toàn cầu của nước này về kinh tế, và bảo vệ công dân Mỹ trước các mối đe dọa bên ngoài, theo Reuters hôm 23.2. Trên vai trò người phó cho Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, ông Adeyemo sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo các chính sách kinh tế của Mỹ, và nắm quyền chỉ đạo mọi công tác của bộ tài chính, bao gồm cấm vận các chính phủ nước ngoài. Hiện Bộ Tài chính Mỹ đang nắm trong tay các công cụ trừng phạt kinh tế, như lệnh cấm người Mỹ rót vốn đầu tư vào các công ty có dính líu quân đội Trung Quốc.
H.G
HOÀNG ĐÌNH
TNO