Lưỡi hình trái tim, liệu có bình thường?
Lưỡi hình trái tim, liệu có bình thường?
Cháu Hồ Minh Đ., 10 tuổi, bị đau họng nên đến cơ sở y tế khám bệnh. Khi khám bệnh bác sĩ bảo cháu há miệng ra để khám họng thì thấy đầu lưỡi không thè ra dài được mà khuyết lại hình trái tim.
Mẹ cháu Đ. kể cháu sinh ra đã bị rồi, thấy cũng đẹp nên không đi khám, cũng không thắc mắc gì.
Bác sĩ hỏi cháu nói bình thường không, mẹ cháu buồn buồn: “Nó đẹp trai mà nói ngọng nghịu lắm bác sĩ ơi. Đọc tiếng Anh mà cứ đọc sai âm, sai vần, làm ông thầy bó tay luôn!”.
Bác sĩ trấn an: “Tật này thì trị được, chỉ cần cắt đi cọng dây thắng dưới lưỡi thôi, còn nói ngọng thì phải kiên trì tập luyện sau một thời gian thì cháu mới nói bình thường”.
Một số người có những nét đẹp bẩm sinh do tạo hóa ban cho như môi chẻ hình trái tim, cằm chẻ hình vầng trăng khuyết là quý tướng, ai cũng ao ước được sở hữu. Nhưng lưỡi chẻ hình trái tim thì lại là nét đẹp không mong muốn chút nào. Trong chuyên môn gọi là tật dính thắng lưỡi.
Dính thắng lưỡi là tật bẩm sinh ở dây thắng lưỡi. Thắng lưỡi là lớp màng niêm mạc mỏng ở dưới bụng của lưỡi, nhìn như một sợi dây màu trắng hồng hình tam giác. Ai cũng có thắng lưỡi, nó có vai trò quan trọng trong vận động của lưỡi, định hướng di chuyển của lưỡi theo ý muốn. Thắng lưỡi góp phần hoàn chỉnh khả năng phát âm, bú, nuốt của trẻ.
Một thắng lưỡi bình thường là có độ dài phù hợp và điểm bám đúng chỗ. Nếu thắng lưỡi bám gần đầu lưỡi và ngắn sẽ làm cử động bình thường của lưỡi bị cản trở giống như đang chạy xe mà tự nhiên xe bị kẹt thắng.
Theo thống kê có khoảng 4 – 5% trẻ sơ sinh bị tật này. Những tháng đầu sau sinh bà con mình có thể phát hiện ra bé bị dính thắng lưỡi khi bé khó bú, khó nuốt, đầu lưỡi hình trái tim khi bé thè lưỡi ra ngoài thì nên đưa bé đến bác sĩ răng hàm mặt để khám và mổ cắt thắng lưỡi. Thời điểm cắt thắng lưỡi phù hợp và an toàn nhất thường là khi bé được 3-4 tháng tuổi.
Những trường hợp thắng lưỡi dày hoặc quá ngắn và ở những ca phát hiện muộn, thường là sau 3 tuổi, như bé Đ. 10 tuổi là quá muộn nhưng vẫn mổ được, tuy nhiên trẻ càng lớn thì càng có nhiều biến chứng do thắng lưỡi để lâu sẽ có mạch máu phát triển, khi cắt thắng lưỡi sẽ đau, nhiễm trùng, chảy máu khó cầm.