23/01/2025

Lãi vay vẫn ‘đủng đỉnh’ giảm

Lãi vay vẫn ‘đủng đỉnh’ giảm

Lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh trong một năm qua nhưng lãi suất cho vay đối với nhiều doanh nghiệp chỉ giảm không đáng kể, thậm chí còn không giảm.
Lãi suất cho vay trong một năm qua giảm ít hơn lãi suất huy động tiết kiệm /// Ảnh: Ngọc Thắng
Lãi suất cho vay trong một năm qua giảm ít hơn lãi suất huy động tiết kiệm ẢNH: NGỌC THẮNG
Lãi suất (LS) tiết kiệm của các ngân hàng (NH) đã xuống thấp chỉ còn khoảng 3% cho kỳ hạn 3 tháng và dưới 7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, giảm từ 1,5 – 2%/năm so với cùng kỳ năm trước. Nhưng LS cho vay thì giảm khiêm tốn hơn nhiều. Bà Hoa, chủ một hộ kinh doanh tại Q.Tân Phú (TP.HCM), đang vay 1 tỉ đồng tại NH quen thuộc nhiều năm qua, với thời hạn 9 tháng và cứ 3 tháng sẽ được điều chỉnh theo thị trường. Kỳ hạn mới nhất được tính từ đầu năm nay là LS 8,5% (trong khi kỳ đầu tiên được vay với LS 7,1%). Nếu so với LS đầu năm 2020 thì lãi vay của bà Hoa thấp hơn 1% năm.
Lãi vay với doanh nghiệp (DN) cũng giảm tương tự. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết do công ty chuyên hoạt động xuất nhập khẩu, nên được vay vốn từ NH với LS ưu đãi hơn, từ 5,5 – 6,5%/năm, giảm khoảng 1% so với đầu năm trước. Nếu vay USD thì LS ổn định từ khoảng 2,8 – 3%/năm (DN xuất khẩu khi có nguồn thu ngoại tệ sẽ cam kết bán lại cho NH nên được cho vay ngoại tệ).

DN gặp khó còn bị điều chỉnh tăng lãi suất

Mặc dù LS giảm không như mong đợi của DN, nhưng theo ông Tùng thì “giảm là mừng rồi”. Đáng nói, nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 như du lịch, vận tải… thậm chí còn bị điều chỉnh tăng LS khi doanh số không đủ để trả nợ vay theo cam kết. Như trường hợp Công ty vận tải Kim Phát vừa nhận được bảng chào cho vay mới để mua xe từ một số NH ở TP.HCM với nội dung LS năm đầu tiên là 8,9%/năm trong thời gian cho vay tối đa 4 năm. Từ năm thứ 2 trở đi LS sẽ được cộng thêm từ 4,3 – 4,5%. Như vậy so với giữa năm qua, LS ưu đãi cho năm đầu tiên cũng giảm được khoảng 1%/năm. Tuy nhiên, một số hợp đồng lãi vay ngắn hạn thì lại có điều chỉnh tăng từ 7,5% lên 7,8 – 7,9%/năm.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, lo lắng: Đầu năm có nhiều chi phí gia tăng, nhưng doanh số vẫn đi xuống. Chẳng hạn các công ty vận tải từ nay đến tháng 6 phải lắp đặt xong toàn bộ camera hành trình trên các phương tiện vận tải. Theo ước tính, chi phí lắp đặt gần 20 triệu đồng/bộ và chi phí duy trì hoạt động là 2,7 triệu đồng/năm.
“Đầu năm hàng hóa chưa có nhiều, nhất là các DN xuất nhập khẩu vẫn đang bị tình trạng thiếu container để đóng hàng nên đơn vị vận tải như chúng tôi cũng thiếu việc làm. Ngoài lắp camera hành trình thì giá dầu, các loại chi phí cố định như mặt bằng, lương nhân viên… cũng tăng trở lại. Khi doanh thu giảm thấp, không ổn định và tiền không có đủ để trả theo hợp đồng vay thì các NH sẽ điều chỉnh tăng LS cho vay. Điều này càng khiến DN gặp khó khăn”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nói.

Giảm lãi suất để đẩy nhanh giải ngân

Công bằng mà nói, LS cho vay của các NH thời gian qua cũng bắt đầu giảm so với một năm trước. Bước sang đầu năm mới, một số nhà băng cũng tiếp tục công bố giảm LS cho vay đối với khách hàng.
Đơn cử Vietcombank sẽ giảm toàn bộ dư nợ hiện hữu và vay mới trong 3 tháng kể từ ngày 22.2 – 22.5. Cụ thể, giảm từ 5 – 10% số tiền lãi phải trả đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân, giảm LS 0,2%/năm khi vay vốn sản xuất kinh doanh. Tổng số khách hàng được giảm LS là 105.000 với quy mô tín dụng là 350.000 tỉ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank. Trước đó, Vietcombank dành 30.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất chỉ từ 5,7 – 6,9%/năm tùy kỳ hạn vay.
Hay BIDV dành hạn mức 50.000 tỉ đồng cho khách hàng vay gói trung dài hạn với LS thấp nhất từ 7 – 7,5%/năm trong 6 tháng hay 12 tháng đầu tiên; từ 8,3%/năm trong 24 tháng đầu tiên. So với cùng kỳ năm 2020, LS trung dài hạn của BIDV đã giảm đến 0,4%/năm ở một số kỳ hạn…
Việc các nhà băng giảm LS cho vay vào thời điểm đầu năm là để đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho vay bởi hiện thanh khoản thị trường khá tốt và LS huy động cũng ở mức thấp. Ngay sau Tết Nguyên đán, LS trên thị trường liên NH đã giảm mạnh hơn 50%. Chẳng hạn, LS tiền đồng bình quân liên NH ngày 19.2 ở kỳ hạn qua đêm còn 0,66%/năm (trước tết là 2,3%/năm), 1 tuần còn 0,76%/năm (trước tết 3,66%/năm), 1 tháng còn 1,47%/năm (trước tết 2,75%/năm), 3 tháng còn 1,42%/năm thay vì 3,19%/năm trước đó…
Đầu năm mới, một số NH tiếp tục giảm LS huy động như Techcombank giảm từ 0,1 – 0,2%/năm, cụ thể kỳ hạn 1 tháng xuống còn 2,2 – 3%/năm, 3 tháng còn 2,6%/năm, 6 tháng còn 3,7%/năm, 12 tháng còn 4,3%/năm. Còn ACB giảm lãi suất huy động tiền đồng 0,2 – 0,4%, theo đó kỳ hạn 1 tháng 3%/năm, 3 tháng ở mức 3,3%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5%/năm…
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, nhận định một số NH giảm LS huy động đầu vào chỉ mang tính cục bộ phụ thuộc vào tình hình hoạt động của từng đơn vị. Bởi thanh khoản cả hệ thống NH vẫn dồi dào và LS huy động ở mức khá thấp. Hơn nữa, LS không phải là điểm nghẽn của hoạt động tín dụng tại Việt Nam trong thời gian qua. Nếu kéo giảm LS thấp hơn nữa thì khả năng dòng tiền sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống toàn ngành. Đồng thời, áp lực lạm phát năm nay cũng cao hơn năm 2020 nên nếu LS được kéo giảm nữa càng gây nên áp lực lạm phát, nguy hiểm cho kinh tế vĩ mô.
“Hiện nay khi LS nhiều nước đều ở mức thấp và áp lực lên lạm phát gia tăng thì khả năng có nơi sẽ tăng dần LS trở lại. Trong bối cảnh này Việt Nam cố gắng bình ổn LS là thành công chứ không phải kéo xuống thấp nữa”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO