24/12/2024

Gia tăng tỉ lệ ‘GDP xanh’ cho TP.HCM

Gia tăng tỉ lệ ‘GDP xanh’ cho TP.HCM

Mỗi ngày, TP.HCM thải ra gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ khoảng 2.000 tấn (chiếm 25%) được tái chế, còn lại phải đem chôn lấp. Đây là hệ luỵ khó lường cho an toàn vệ sinh môi trường và chất lượng cuộc sống người dân.

 

Gia tăng tỉ lệ GDP xanh cho TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Minh Nhựt (giám đốc CITENCO)

Ông Huỳnh Minh Nhựt, giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), chia sẻ như trên về một thực tế do giới hạn trong công nghệ xử lý rác thải.

Các “giải pháp xanh” cho TP.HCM

Ngày 23-2, CITENCO và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp xanh, hướng đến gia tăng tỉ lệ “GDP xanh” cho TP.HCM”.

Đây là quyết định thực hiện chiến lược hợp tác giai đoạn 2021-2025 trong việc đầu tư “giải pháp xanh” để gia tăng hiệu quả dự án cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Nhựt, việc hợp tác này nhằm tập trung thúc đẩy đầu tư mạnh vào các lĩnh vực then chốt của TP.HCM như: kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý môi trường; đầu tư phát triển hạ tầng khu dân cư, khu đô thị, các dự án xây dựng TP thông minh, chương trình phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP…

Biên bản ghi nhớ hợp tác được CITENCO và HFIC thống nhất phối hợp thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực môi trường đô thị, an sinh xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường tại TP.HCM; đầu tư phát triển dự án “Nghĩa trang Đa Phước giai đoạn 2” tại huyện Bình Chánh.

Ngoài ra, hai bên phối hợp đầu tư phương tiện và thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; thúc đẩy và đầu tư dự án “Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày” tại bãi chôn lấp số 3, Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp – Củ Chi; thực hiện di dời và tái đầu tư nhà máy xử lý chất thải nguy hại từ Đông Thạnh về Phước Hiệp kết hợp chuyển đổi công nghệ tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp – Củ Chi; triển khai thực hiện đầu tư phương tiện và thiết bị phục vụ hoạt động thu gom, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; đầu tư dự án “Nhà máy xử lý và tái chế chất thải từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”.

Với bề dày 45 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, CITENCO đã đầu tư các trang thiết bị, phương tiện, công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, công nhân giỏi, lành nghề đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển cũng như xử lý chất thải.

Ông Huỳnh Minh Nhựt (giám đốc CITENCO)

Gia tăng tỉ lệ GDP xanh cho TP.HCM - Ảnh 3.

Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hướng đến tăng tỉ lệ “GDP xanh”, TP xanh

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch HĐTV HFIC, đây là tầm nhìn và định hướng chung mà hai đơn vị đã thống nhất, nhằm phối hợp triển khai các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường đô thị, an sinh xã hội, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn TP, đặc biệt là các dự án xử lý, tái sinh, tái chế chất thải, tận dụng tối đa giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải; hướng đến việc thúc đẩy gia tăng tỉ lệ “GDP xanh” cho TP.HCM.

Cũng theo thỏa thuận này, hai bên sẽ hợp tác để thực hiện các dự án cải thiện chất lượng môi trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu, khả năng nhằm phát huy tối đa thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của mỗi bên. Đồng thời, hỗ trợ nhau tăng cường nhận diện và giới thiệu các cơ hội hợp tác, mời gọi hợp tác của bên thứ ba nếu cần thiết.

Theo ông Nhựt, một trong những dự án điểm cho hợp tác này là bãi chôn lấp số 3 (nâng công suất từ 5.000.000 tấn lên 6.474.000 tấn rác sinh hoạt). “Mục tiêu cần thực hiện dự án “bãi chôn lấp số 3″ là xây dựng một bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh tiếp tục chôn rác sau khi bãi chôn lấp số 2 đóng cửa với công suất 2.000 tấn/ngày. Khối lượng rác chôn lấp tối ưu dựa trên sự đảm bảo các tiêu chí về hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư hợp lý nhất”.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) giai đoạn 2 với quy mô 46,32ha cùng công suất 46.118 mộ chôn nhằm tạo một khu công viên nghĩa trang sinh thái.

“Hiện nay TP đang đứng trước nguy cơ thiếu đất chôn cất do quỹ đất nghĩa trang hiện có đã gần cạn. Do đó, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang mới đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân TP trở nên cần thiết và cấp bách. Chấp hành chỉ đạo của UBND TP về việc xây dựng trước khu chôn cất dành cho đối tượng có sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã tiến hành lập công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án này, nhằm tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt” – đại diện CITENCO nói thêm.

Nhiều đơn vị hưởng ứng

 

img_1696

Lễ ký kết giữa 2 công ty CITENCO và HFIC – Ảnh: MINH HUỲNH

Chị Đào Nương, giám đốc Công ty truyền thông SOL (TP Thủ Đức), cho biết rất ủng hộ chủ trương xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp xanh, hướng đến gia tăng tỉ lệ “GDP xanh” cho TP.HCM.

“Hiện công ty tôi và gia đình đã không còn sử dụng ống hút nhựa và mua ống hút tre để thay thế. Gần đây có rất nhiều khách hàng tìm đến SOL với mong muốn sáng tạo ra những thông điệp PR “xanh” kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.

Điều này cho thấy ý thức về việc bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM là rất cao, họ đã quan tâm nhiều hơn tới biến đổi khí hậu, rác thải, ô nhiễm…, nhất là sau đợt cháy rừng thảm khốc ở Amazon và Úc gần đây.

Không chỉ là những lời nói suông hay thông điệp sáo rỗng, họ còn yêu cầu chúng tôi đưa ra những hành động dù là nhỏ nhất để nâng cao ý thức như thay ống hút nhựa bằng tre, không xả rác bừa bãi, tặng những món quà “xanh” cho khách hàng và nhân viên…” – chị Nương cho biết.

Còn chị Nguyễn Khánh Thủy – chủ quán Phở Ấm (quận Tân Bình, TP.HCM) – cho biết tuy chỉ kinh doanh ẩm thực nhưng chị luôn quan tâm đến việc chung tay để hướng đến xây dựng và thúc đẩy triển khai các giải pháp xanh cho TP.

“Chất thải tại quán phở có mỡ bò nên ngay từ đầu được phân loại và tách mỡ riêng ra khỏi các loại rác khác. Những rác thải còn lại chúng tôi phân loại rác tại nguồn, để bao nilông riêng, đặc biệt là rác từ thức ăn thừa luôn được tách riêng biệt” – chị Thủy nhấn mạnh.

MINH HUỲNH
TTO