Dịch COVID-19 toàn cầu đang thuyên giảm
Dịch COVID-19 toàn cầu đang thuyên giảm
Dù nước Mỹ vừa bước qua dấu mốc đau buồn khi hơn 500.000 người đã chết vì COVID-19, thế giới đã thấy tia hi vọng cuối đường hầm khi tình hình dịch bệnh đã thuyên giảm thấy rõ ở một số điểm nóng.
Nếu so với thời điểm chỉ một tháng trước, khi toàn thế giới có lúc ghi nhận tới hơn 750.000 ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày, tình hình dịch bệnh thời gian gần đây đã thực sự có những chuyển biến tích cực.
Số ca mắc mới toàn cầu đã giảm một nửa so với giai đoạn đỉnh dịch, số ca phải nhập viện cũng như số người chết vì virus corona chủng mới cũng đã giảm đáng kể tại nhiều nơi.
Xu thế giảm
Theo bảng đồ thị thể hiện tỉ lệ số ca mắc mới trên 100.000 dân trong 28 ngày qua của báo New York Times, có 28 quốc gia đã có mức giảm từ 40-86% rất ấn tượng. Trong đó có những nơi đã từng hoặc đang là tâm dịch của thế giới như Tây Ban Nha (giảm 69%), Anh (giảm 70%), Mỹ (giảm 62%)…
Mặc dù số ca nhiễm chưa phải con số phản ánh thực sự chính xác về tình hình đại dịch do công tác xét nghiệm và ghi nhận số ca mắc chưa tốt đều ở các nơi, song việc có ít người bệnh hơn phải tới viện điều trị tại nhiều nước có tỉ lệ mắc cao khiến giới chuyên gia tin rằng xu thế giảm của dịch bệnh hiện nay là thực.
Giới chuyên gia cho rằng những tín hiệu tích cực trong diễn biến đại dịch COVID-19 có được lúc này là nhờ vào một số nguyên nhân chính: tuân thủ nghiêm túc giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, tính chất hoạt động theo mùa của virus, và mức độ tăng dần của khả năng miễn dịch tự nhiên trong những nhóm người có tỉ lệ lây nhiễm cao hiện nay.
Tới thời điểm này, giới chuyên gia vẫn cho rằng vắc xin (vaccine) chưa “góp công” bao nhiêu trong các diễn biến tích cực của dịch bệnh, nhưng cùng với thời gian, hiệu quả từ chúng hẳn sẽ thể hiện rõ ràng hơn.
Dù hi vọng, song giới y khoa thế giới vẫn thấp thỏm với tình hình dịch bệnh còn nhiều điểm quá “mong manh”.
Bên cạnh 28 quốc gia có số ca mắc mới giảm đáng kể đã nêu, vẫn còn 23 nước ghi nhận tỉ lệ ca mắc mới tăng trong cùng thời gian này với các mức tăng từ 17-335%, trong đó có nhiều nước ở Trung Đông và Đông Âu. Brazil vẫn đang chật vật chống lại chủng virus biến thể mới, Tây Ban Nha đã tăng lại số người nhập viện…
Khoảng thời gian tạm lắng ở những điểm nóng của đại dịch đang tạo ra cơ hội vàng để các nước có thể kiềm chế và tiến tới kiểm soát hoàn toàn virus corona khi các vắcxin bắt đầu phát huy tác dụng.
Chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng nó vẫn là một đường hầm dài.
Bà Wafaa El-Sadr (nhà miễn dịch học tại ĐH Columbia, Mỹ) thận trọng nhận định về xu thế giảm dịch bệnh trên thế giới.
Tin vui từ vắcxin
Cùng xu hướng thuyên giảm của đại dịch, nỗ lực triển khai vắcxin toàn cầu cũng đang nhận được thêm các tín hiệu vui khi một số loại vắcxin được chứng minh cho hiệu quả rõ rệt ngay sau liều đầu tiên và có thể bảo quản trong tủ đông thông thường được tới hai tuần.
Theo báo Wall Street Journal, hai hãng Pfizer và BioNTech cho biết đã đề nghị cơ quan quản lý Mỹ, châu Âu và nhiều nước cho phép thay đổi thông tin trên nhãn mác, khẳng định vắc xin của họ bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với các tủ đông tiêu chuẩn khoảng -200C, thay vì -700C như trước đây, trong thời gian hai tuần.
Giới chuyên gia đã rất phấn khởi trước thông tin này. Giáo sư Ivan Dikic – giám đốc Viện Hóa sinh II tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, Đức – cho rằng đây thực sự là tin tức tuyệt vời vì sẽ “cải thiện rất đáng kể việc triển khai tiêm vắc xin”.
“Cách thức triển khai tiêm vắcxin sẽ dễ dàng thực hiện hơn với cả các nước giàu lẫn những nước đang phát triển trên toàn thế giới” – ông Ivan Dikic nhận định.
Cùng với đó, kết quả nghiên cứu vừa công bố tại Israel cũng cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chỉ sau liều tiêm thứ nhất.
Cụ thể, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa uy tín Lancet ngày 19-2, các nhà khoa học Israel chứng minh rằng trong khoảng thời gian từ 15-28 ngày sau liều tiêm đầu tiên trong số hai liều bắt buộc, vắc xin của Pfizer/BioNTech đã giúp phòng ngừa hiệu quả ở mức 85% bệnh COVID-19 có triệu chứng.
Một kết quả nghiên cứu khác cũng rất đáng chú ý khi chứng minh được rằng vắc xin COVID-19 do ĐH Oxford và Hãng dược AstraZeneca đồng phát triển đã đạt hiệu quả phòng ngừa COVID-19 không thay đổi ngay cả khi hai liều tiêm cách nhau tới ba tháng.
Mỹ tưởng nhớ nửa triệu người chết vì virus corona
Theo Hãng tin Reuters, vào lúc 18h15 ngày 22-2 giờ địa phương (tức 6h15 sáng 23-2 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì lễ mặc niệm bên ngoài Nhà Trắng để tưởng nhớ những người đã chết vì đại dịch COVID-19.
Trong những lời phát biểu xúc động tại buổi lễ, ông Joe Biden nhắc đến “dấu mốc đau lòng, nghiệt ngã” khi 500.071 người Mỹ đã chết vì COVID-19, nhiều hơn tổng số người Mỹ đã thiệt mạng trong Thế chiến 1, Thế chiến 2 và cuộc chiến tranh ở Việt Nam.