23/01/2025

Tích luỹ kiến thức ra sao để làm tốt bài thi đánh giá năng lực?

Tích luỹ kiến thức ra sao để làm tốt bài thi đánh giá năng lực?

Điểm đáng chú ý ở bài thi đánh giá năng lực là dựa vào khả năng suy luận và giải quyết vấn đề trên cơ sở các kiến thức được tích luỹ thay vì kiểm tra khả năng ghi nhớ bài. 
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Vậy làm sao để tích lũy tốt nhất kiến thức cho kỳ thi này?

Lợi thế cho học sinh có năng lực suy luận logic tốt

Nhiều trường ĐH tiếp tục tổ chức thi năng lực để tuyển sinh trong năm 2021 như: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Việt Đức…
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của người học như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về nội dung, theo ông Chính, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Chẳng hạn như trong đề thi mẫu được công bố có nhiều câu hỏi về các quy luật, mối liên kết giữa các dữ kiện, số liệu chứ không chỉ thông tin rời rạc đơn lẻ. “Do vậy, những học sinh có năng lực suy luận logic tốt sẽ lợi thế hơn khi tham gia kỳ thi này”, tiến sĩ Chính cho biết.

Phần nhiều các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực là kiểm tra kiến thức phổ rộng hơn là những bài tập khó. Việc chăm đọc thêm bên ngoài, lâu lâu có những thông tin hay được tiếp cận, đọng lại trong đầu và rất có ích cho bài thi

TRẦN CÔNG HUY HOÀNG (thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020)

Chia sẻ về kỳ thi TestAS do Trường ĐH Việt Đức tổ chức để tuyển sinh năm 2021, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng nhìn nhận tương tự. Ông Viên cho rằng một trong những đặc thù của bài thi này là không chỉ yêu cầu người dự thi phải có kiến thức chuyên môn trong một số lĩnh vực của đề thi mà còn đòi hỏi sự tích lũy và trau dồi kiến thức toàn diện, kỹ năng cần thiết trong suốt quá trình học THPT. Đặc biệt trong đó là kiến thức các môn như toán, lý, hóa, sinh, Anh văn…
Theo ông Viên, đây là bài thi đánh giá năng lực để chắc chắn rằng khi vượt qua kỳ thi này thí sinh có thể theo học thành công một lĩnh vực đào tạo ở bậc ĐH. “Kỳ thi TestAS không chỉ nhằm mục đích kiểm tra kiến thức mà hơn thế là tập trung đánh giá các kỹ năng tư duy, suy luận và xử lý vấn đề. Vì vậy, cách chuẩn bị bài thi tốt nhất là tìm hiểu và tập làm quen với một số đề thi mẫu, làm quen với các dạng đề và tích lũy thêm hiểu biết bên ngoài”, ông Viên khuyên.

Học chủ động, phản biện và mở rộng kiến thức

Việc tích lũy kiến thức là rất quan trọng để có thể hoàn thành tốt các dạng bài thi năng lực. Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, với những học sinh còn chặng đường dài chuẩn bị cho kỳ thi này (đang học lớp 10 và 11), việc cần thiết là tạo thói quen học chủ động, có phản biện và luôn tìm tòi mở rộng kiến thức. Chẳng hạn, khi tiếp cận một thông tin luôn có câu hỏi vì sao, nhìn vào bảng số liệu luôn phân tích xu hướng thay đổi của những con số…
“Năng lực suy luận logic không phải hoàn toàn chỉ có do bẩm sinh mà có thể phát triển qua quá trình rèn luyện. Vì vậy việc chủ động rèn luyện sẽ giúp có được khả năng này. Nếu tập được thói quen này thì học sinh dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của nhiều kỳ thi khác nhau, không chỉ kỳ thi năng lực”, ông Chính chia sẻ.

Hơn 30.000 thí sinh đăng ký dự thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM

Chiều 22.2, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết hiện đã có hơn 30.000 thí sinh đăng ký dự thi thành công kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1.

Thời hạn đăng ký dự thi sẽ kết thúc vào ngày 5.3 và số lượng đăng ký đang tăng mạnh vào những ngày cuối, khoảng 2.000 – 3.000 thí sinh đăng ký mỗi ngày.

Về kế hoạch tổ chức kỳ thi này, theo tiến sĩ Chính, nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực vẫn diễn ra theo kế hoạch. Thí sinh thi đợt 1 sẽ dự thi sáng 28.3 tại đồng thời các địa phương: TP.HCM, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Đà Nẵng.
Kết quả kỳ thi này được sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu của hơn 70 trường ĐH và CĐ năm nay. So với danh sách đã công bố trước đó, có thêm 2 trường ĐH mới được bổ sung gồm: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và Trường ĐH Phan Thiết.
Trước đó, năm 2020 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đã phải dời lại nhiều lần do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Kỳ thi đã bị ảnh hưởng nhiều khi chỉ thu hút chưa tới 50% số thí sinh dự thi trong số hơn 53.000 thí sinh đăng ký đợt 1 vào cuối tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, theo ông Chính, với những học sinh chưa thực hiện triệt để thói quen học chủ động để tích lũy kiến thức trong thời gian dài, thì cần có chiến thuật tiếp cận khác để trang bị những kiến thức cơ bản. Cụ thể là hệ thống hóa lại các khối kiến thức cơ bản được đề cập trong đề thi, từ đó tìm thấy những quy luật, mối liên hệ giữa các dữ kiện, số liệu rời rạc.

Thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm

Các thủ khoa từng đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực có những chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân mình khi chuẩn bị cho kỳ thi này.
Trần Công Huy Hoàng là thí sinh từng đạt 1.118 trên tổng số 1.200 điểm, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Theo Hoàng, cách tốt nhất để tích lũy kiến thức là có thói quen đọc và tùy vào từng giai đoạn, từng lĩnh vực sẽ có cách đọc khác nhau. Trong đó, nên cố gắng nắm kiến thức cơ bản trước khi mở rộng kiến thức.
Để nắm vững kiến thức cơ bản, theo Huy Hoàng, cách đơn giản nhất là đọc lại sách giáo khoa hoặc tìm đọc các sách khái quát những nội dung cơ bản từng môn học để dễ tiếp thu hơn (sách này có bán trong các nhà sách). Khi cần mở rộng kiến thức thì tìm thêm các nguồn thông tin hay và phù hợp bên ngoài. Ví dụ các môn tự nhiên có thể tìm đọc sách nâng cao, tham gia các nhóm ôn luyện.
Với phần kiến thức xã hội có thể đọc thêm sách báo, các kênh thông tin thời sự chính thống… “Phần nhiều các câu hỏi trong đề thi đánh giá năng lực là kiểm tra kiến thức rộng hơn là những bài tập khó. Việc chăm đọc thêm bên ngoài, lâu lâu có những thông tin hay được tiếp cận, đọng lại trong đầu và rất có ích cho bài thi”, thủ khoa này chia sẻ.
Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019 với 1.108/1.200 điểm, cũng có những chia sẻ tương tự. Nghĩa cho rằng bên cạnh việc học ở trường nên chủ động tìm thêm các nguồn bên ngoài để học thêm, nhưng nguồn bên ngoài cần bám sát chương trình học. Một trong những kinh nghiệm đọc của thủ khoa này là các trang báo tiếng Anh hoặc trang mạng trao đổi về học thuật phù hợp với việc học. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là cố gắng tìm ra điều khiến mình thích và vui khi học. Khi học theo tinh thần như vậy sẽ cho kết quả tốt hơn”, người từng đạt điểm cao nhất kỳ thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2019 bật mí.
 HÀ ÁNH
TNO