24/12/2024

Bộ Công thương ‘cầu cứu’ Thủ tướng để giải cứu nông sản cho Hải Dương

Bộ Công thương ‘cầu cứu’ Thủ tướng để giải cứu nông sản cho Hải Dương

Đau đầu vì mỗi nơi hướng dẫn mỗi kiểu về lưu thông giữa các địa phương bị dịch Covid-19 và các tỉnh lân cận, chiều 22.2, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng có chỉ đạo để giải cứu nông sản Hải Dương.
Hệ thống siêu thị của BigC và GO! đang tiêu thụ 100 tấn nông sản của Hải Dương mỗi tuần /// Ảnh: Ng.Nga
Hệ thống siêu thị của BigC và GO! đang tiêu thụ 100 tấn nông sản của Hải Dương mỗi tuần ẢNH: NG.NGA

Người tiêu dùng “ngại” hàng nông sản từ Hải Dương

UBND TP Chí Linh (Hải Dương) vừa có văn bản gửi Sở Công thương Hà Nội đề nghị hỗ trợ tiêu thụ khoảng 650.000 con gà đồi Chí Linh đến kỳ xuất bán, tương đương khoảng 1.625 tấn, do bị dồn ứ, ách tắc bởi dịch Covid-19. Theo văn bản thì số gà này đang đến thời kỳ xuất bán nhưng ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước đó, báo cáo nhanh của Sở Công thương và Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho thấy, nông sản không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Đến ngày 15.2, toàn tỉnh đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa (80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu… Tổng lượng nông sản của Hải Dương chưa tiêu thụ được là 90.760 tấn, cụ thể là còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.
Chiều 22.2, Bộ Công thương thông tin, trong tuần qua, Bộ này đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc như Central Group (chuỗi siêu thị BigC và Go!); Vincommerce (chuỗi Vinmart và Vinmart+), BRG Retail (Chuỗi siêu thị BRG Mart), Chuỗi siêu thị MM Mega Market… để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn mỗi tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market (Việt Nam) đã có văn bản cam kết ngày 18.2 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả mỗi ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

VinMart tại Hải Dương giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu đến 40%

Đại diện VinCommerce cho biết, chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+ tung ra các sản phẩm, hàng hóa thiết yếu với giá ưu đãi, khuyến mại từ 5 – 40% để hỗ trợ bà con Hải Dương chống dịch. Cụ thể, cá basa fillet đông lạnh giảm giá sâu tới 39% chỉ còn 59.900 đồng/kg; mực ống đông lạnh khay 500g giảm 21% chỉ còn 109.900 đồng/khay; đầu cá hồi đông lạnh giảm giá 20% chỉ còn 39.900 đồng/kg; củ cải trắng giảm giá tới 31% chỉ còn 8.900 đồng/kg; dưa chuột baby giảm giá sâu 30% chỉ còn 27.900 đồng/kg; cà chua giảm giá 22% chỉ còn 9.900 đồng/kg…
Tuy nhiên, có một thực tế là việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản ra khỏi vùng dịch qua các vùng giáp ranh gặp khó khăn, thậm chí nhiều xe phải quay đầu về lại Hải Dương, gây thiệt hại lớn. Bộ Công thương cho biết, Bộ cũng đã làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ NN-PTNT, các địa phương và doanh nghiệp để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Cần chỉ đạo thống nhất về lưu thông người, hàng hóa…

Theo Bộ Công thương, phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7.2.2021 hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bộ Công thương ‘cầu cứu’ Thủ tướng để giải cứu nông sản cho Hải Dương - ảnh 1
“Những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh- Hải Dương”, Bộ Công Thương nhận định.
Đáng chú ý, nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng, thậm chí đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nông sản tại các địa phương có dịch Covid-19, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch Covid-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.
Theo đó, Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Bộ NN-PTNT chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh…
NGUYÊN NGA
TNO